Kiểm soát chặt mức độ ô nhiễm và cảnh báo người dân
Chiều tối 28/9, vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu nhà kho 3.000 m2 lợp mái tôn của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dù đã được lực lượng cứu hoả Hà Nội tập trung nguồn lực chữa cháy, song, đến rạng sáng ngày 29/8, vụ cháy mới được dập tắt, thiêu rụi toàn bộ nhà kho. Ngay sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã cảnh báo tới người dân trên địa bàn về nguy cơ nhiễm độc do ô nhiễm không khí và nguồn nước sau hỏa hoạn.
Cụ thể, sau vụ cháy, môi trường khu vực xung quanh Công ty Rạng Đông còn tồn dư nhiều khói bụi, không khí nhiễm bẩn có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do đó, các hộ dân cũng cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1 - 10 ngày để hạn chế tác hại của khói bụi; nếu có các biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường, thì đi khám để xử lý kịp thời và không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1,5 km kể từ tâm đám cháy…
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh vện Bạch Mai, vụ cháy gây phát sinh lượng lớn thủy ngân và lưu huỳnh bốc hơi, lẫn trong không khí. Nhiễm độc thuỷ ngân có 2 giai đoạn: Với ngộ độc cấp, khi mới xảy ra cần xử trí nhanh nhất; còn nếu không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, có thể để lại di chứng về thần kinh. Với lưu huỳnh, có thể gây kích ứng ngay tại chỗ như: Cay mắt, ho, tức ngực…
“Tuy nhiên, những khả năng về ô nhiễm thủy ngân hay hóa chất vẫn chỉ ở dạng giả định. Các cơ quan quản lý cần vào cuộc, có khảo sát đánh đánh giá mức độ tồn dư hóa chất trong không khí, trên đất, lá cây, nguồn, kết hợp quan trắc không khí liên tục tại khu vực xảy ra để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống”, TS Hoàng Dương Tùng, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 31/8 đã khẳng định lo ngại về an toàn hóa chất độc hại và ô nhiễm môi trường sau vụ cháy và đã chỉ đạo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các cơ quan liên quan của thành phố kiểm tra, rà soát thông tin, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất xung quanh sau sự cố.
UBND TP Hà Nội cũng đang phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học để tính toán, lượng hóa các nguồn, chất gây ô nhiễm có thể phát sinh từ bóng đèn huỳnh quang, đèn compact để đưa ra được mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường nếu có và đang đánh giá phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ dựa trên cơ sở số liệu thực tế và căn cứ khoa học. Tuy nhiên, theo đại diện của UBND TP, sự cố vẫn có thể tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.
Vì vậy, để bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội khuyến cáo người dân sinh sống khu vực xung quanh công ty thận trọng, thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế; tẩy rửa tường, sàn nhà và các đồ gia dụng trong gia đình (đối với các hộ dân ở gần công ty); không sử dụng nước từ các bể chứa nước hở; thau rửa các bể chứa nước hở; tạm thời không sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực xung quanh cho đến khi các cơ quan chức năng nhà nước công bố giới hạn về phạm vi, mức độ ảnh hưởng của sự cố cháy nổ nêu trên.
“Trùm” đa cấp Liên Kết Việt tiếp tục bị truy tố về tội lừa đảo trên 68.000 người
Viện KSNDTC vừa ban hành cáo trạng số 68 /Ctr-VKSTC-V3 và phân công Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (viết tắt là Công ty Liên Kết Việt). Trong đó, Viện KSNDTC đã truy tố bảy bị can về hành vi lừa đảo trên 68.000 bị hại để chiếm đoạt trên 1.121 tỉ đồng.
Bảy bị can gồm: Lê Xuân Giang (sinh năm 1971, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt), Lê Văn Tú (sinh năm 1985, Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt), Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1970, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Kết Việt) và bốn thành viên nhóm phát triển thị trường Công ty Liên Kết Việt là Lê Thanh Sơn (sinh năm 1988), Trịnh Xuân Sáng (sinh năm 1975), Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1967), Vũ Thị Hồng Dung (sinh năm 1974) bị Viện KSNDTC truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 139, khoản 4, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng (viết tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên Kết Việt đều do Lê Xuân Giang thành lập và điều hành hoạt động. Lợi dụng Công ty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Công ty BQP sản xuất, từ tháng 3/2014 - 11/2015, các đối tượng đã gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch cho các bị hại để tạo lòng tin, uy tín về hoạt động kinh doanh hàng hóa đa cấp, sau đó lôi kéo các bị hại bỏ tiền tham gia hệ thống của Công ty Liên Kết Việt, nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao do chế độ trả thưởng, các chương trình khuyến mại trái pháp luật của các bị can này đặt ra, với hứa hẹn các bị hại nhận tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.
Cáo trạng kết luận, sau một năm hoạt động, đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới được 34 chi nhánh đại diện tại 27 tỉnh, thành, lôi kéo được trên 68.000 người tại 49 tỉnh, thành phố tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp. Tổng cộng, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.121 tỉ đồng và phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền đó.
Khởi tố 3 đối tượng chống người thi hành công vụ ở Chương Mỹ, Hà Nội
Ngày 30/8, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng chống người thi hành công vụ trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn vào tối 20/8, gồm: Đỗ Xuân Nguyên (sinh năm 1978, trú tại Yên Trường, Trường Yên, Chương Mỹ), Nguyễn Duy Ninh (sinh năm 1984, trú tại Đồi Mít, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ) và Nguyễn Bá Vương (sinh năm 1990, trú tại Nhật Tiến, Trường Yên, Chương Mỹ).
Như TTXVN đã đưa tin, tối 20/8, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội, làm nhiệm vụ tại đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, thì phát hiện xe ô tô BKS 30F - 703.82 chạy quá tốc độ theo hướng Miếu Môn - Xuân Mai (Chương Mỹ). Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe (trên xe có 5 người) và thông tin đến những người trên xe ô tô 30F-703.82 về kế hoạch làm việc, nội dung kiểm tra, trong đó có đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên, những người xuống xe tỏ thái độ chống đối, lăng mạ, chửi bới, xô đẩy lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Trong đó, một đối tượng tự xưng là Nguyên đã có hành vi chống đối thô bạo đối với lực lượng chức năng. Sau đó, kéo thêm một nhóm đối tượng khác xuất hiện, điều khiển xe máy mang theo tuýp sắt đến hiện trường cản trở, gây áp lực, tấn công Cảnh sát giao thông.