Thủ tướng Chính phủ gọi điện chúc mừng
Thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội ngày 15/7 là ca phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi.
Sau hơn 12 tiếng đồng hồ căng thẳng, vào 18 giờ 40 phút, gần 100 chuyên gia, y bác sĩ của các bệnh viện đầu ngành TP Hồ Chí Minh đã kết thúc thành công ca phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi trong niềm vui mừng khôn tả. Hai bé được đưa ra khỏi phòng mổ, sau khi các bác sĩ hoàn tất khâu tạo hình cuối cùng, khâu vết mổ, bó bột. Trúc Nhi – Diệu Nhi đã được chuyển khoa Hồi sức ngoại an toàn và tiếp tục được theo dõi sát tình trạng sức khỏe sau mổ.TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng Thành phố-Trưởng ê kip phẫu thuật tách cặp song sinh, cho biết: Trải qua rất nhiều lần hội chẩn, các y bác sĩ mới quyết định thực hiện ca đại phẫu thuật vào ngày 15/7. Một trường hợp hiếm hoi với thành công không phải là nhiều trong y văn, nhưng sau 12 giờ thực hiện ca phẫu thuật, đến thời điểm này có khẳng định là ca phẫu thuật diễn ra rất tốt.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sau khi nghe tin về kết quả ca phẫu thuật, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện cho GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế để chúc mừng kíp mổ của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã phát huy trí tuệ, trình độ chuyên môn để nỗ lực thực hiện thành công. Qua Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thủ tướng cũng chúc mừng gia đình và mong cho hai bé sớm bình phục, đồng thời gửi 20 triệu đồng thăm sức khoẻ hai bé.
Không chỉ các lãnh đạo, y bác sĩ và những người đang công tác trong ngành y, khắp nơi trên mạng xã hội người dân cũng đều tỏ ra vui mừng trước thành tựu y tế mới nhất của Việt Nam; đồng thời chúc phúc cho gia đình và hai bé, mong hai bé sớm bình phục.
Như báo Tin tức đã thông tin, cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi được đưa vào phòng mổ lúc 5 giờ 30 sáng 15/7.
Hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus), cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Chuẩn bị nguồn nhân lực chuyên khoa cho cuộc mổ tách dính này, ngành y tế đã huy động 93 nhân viên, bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố; phối hợp hội chẩn nhiều lần cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn Thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, BV Chấn thương Chỉnh hình, BV Mắt, BV Xuyên Á và BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh để lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết cho cuộc mổ thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách, bao gồm cả kế hoạch xử lý những rủi ro có thể xảy ra trong lúc mổ.
Theo thông tin từ bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, hai bé được phẫu thuật trong phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 được vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày, chiếu tia UV; vòi nước trước phòng mổ siêu sạch phải có màng siêu lọc, nước được cấy vi sinh… Các bác sĩ dự kiến mỗi bé sẽ mất khoảng 250 -500ml máu.
1 năm trước, vào tháng 7/2019, bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận từ bệnh viện Hùng Vương 1 trường hợp song sinh dính nhau đặc biệt. Sau khi được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của 2 bé cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng, xương chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Đây là trường hợp song sinh dính cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế
Ngày 15/7/2020, liên quan đến Tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về Lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.
Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Đã mua và nhập kho 83,5% lượng gạo dự trữ
Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, đến ngày 10/7, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện mua và nhập kho được 158.880 tấn gạo đạt 83,5% kế hoạch và 60.200 tấn thóc đạt 75% kế hoạch (Thủ tướng Chính phủ giao nhập tăng cường lượng lương thực dự trữ quốc gia năm 2020 là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc).
Theo ông Đỗ Việt Đức, ngành dự trữ đã khắc phục khó khăn thực hiện nhập lương thực, tăng cường lực lượng dự trữ quốc gia, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Dự kiến đến ngày 15/8 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch nhập lương thực.
Ông Đỗ Việt Đức cũng nhấn mạnh, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia tiếp tục tăng cường xây dựng cơ chế chính sách về dự trữ quốc gia, tập trung rà soát danh mục hàng dự trữ quốc gia để kịp thời bổ sung danh mục cần thiết cho việc bảo đảm mục tiêu dự trữ quốc gia.