Việt Nam ghi nhận 7 ca mắc COVID-19
Trong 12 giờ qua, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng; nâng tổng số mắc lên 1.029 ca.
Tất cả các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang. Trong tổng số 1.029 ca mắc COVID-19 có 687 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 547 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 71.821 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.963 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 20.237 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 49.621 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 25/8 có thêm 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang là BN468, BN919; BN566 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và BN787 tại Trung tâm Y tế Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Hiện số ca âm tính với vi rút SARS-CoV-2 lần 1 là 52 ca; lần 2 là 67 ca; lần 3 là 37 ca. Việt Nam đã ghi nhân 27 ca tử vong do COVID-19; số ca điều trị khỏi là 592 ca.
Còn theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện sức khỏe của hai bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện là BN812 và BN867 đã có nhiều dấu hiệu tốt lên, mặc dù trước đó được tiên lượng rất nặng.
Đề xuất gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp và người lao động
Ngày 25/8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do đại dịch này.
Kinh phí của gói hỗ trợ lần 2 theo đề xuất là 18.600 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ về chính sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì, mở rộng việc làm và hỗ trợ trực tiếp người lao động gặp khó khăn. Theo đó, về chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo, duy trì và mở rộng việc làm.
Đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ kinh doanh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh; người lao động tại khu vực nông thôn. Mức vay tối đa theo quy định tại Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh 2 tỷ đồng, đối với người lao động 100 triệu đồng. Thời hạn hỗ trợ lãi suất là 12 tháng đối với các khoản vay mới. Thời gian áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021. Lãi suất vay 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo. Kinh phí ước tính là 15.000 tỷ đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất chính sách hỗ trợ lao động mất việc có hoàn cảnh khó khăn theo hướng sẽ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn (tiền thuê nhà, chi phí nuôi con dưới 6 tuổi). Đối tượng là người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động.
Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng hoặc 1 triệu đồng/trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ tối đa 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020. Kinh phí ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lãi suất 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1/9/2020 đến ngày 1/9/2021.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỷ đồng.
Khởi tố vụ án người phụ nữ bắt cóc cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh
Sáng 25/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo Điều 153 Bộ Luật hình sự năm 2015. Quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Hiện, Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra, làm rõ động cơ, mục đích hành vi bắt cóc cháu bé của các đối tượng; đồng thời xem xét ra quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ.
Từ 19 giờ ngày 25/8, Quảng Trị nới lỏng giãn cách xã hội
Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị đã họp để đánh giá và bàn giải pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.
Theo đại diện Sở Y tế Quảng Trị, tỉnh ghi nhận 7 ca mắc COVID-19; trong đó ca bệnh số 832 đã tử vong, 6 ca bệnh còn lại gồm 749, 750, 833, 861, 862 và 904 đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ hai lần trở lên và có thể xuất viện trong những ngày tới. Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị - nơi có liên quan đến một số ca bệnh đã an toàn và tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh nội, ngoại trú trở lại sau 15 ngày tạm dừng kể từ ngày 10/8. Ngành Y tế cũng đã quyết liệt xét nghiệm và truy vết các ca bệnh trên diện rộng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đánh giá, tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19. Tuy nhiên, đời sống của người lao động và hoạt động của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, tỉnh cần nới lỏng giãn cách xã hội để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, từ 19 giờ cùng ngày (25/8), tỉnh thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội và cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng linh hoạt để vừa tập trung phòng chống dịch COVID-19 vừa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển kinh tế.
Cụ thể, các địa phương, cơ quan chức năng và người dân không được chủ quan mà tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát và cách ly tập trung những người trở về từ các tỉnh, thành có dịch COVID-19; duy trì hoạt động của các tổ, chốt kiểm soát y tế, thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc; vận động người dân tổ chức đám ma, đám cưới tại nhà và không tập trung đông người; không tập trung từ 30 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học và cơ sở khám chữa bệnh; giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ kinh doanh không thiết yếu như karaoke, cơ sở làm đẹp, vũ trường, khu vui chơi... Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán ăn, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, điểm tham quan và di tích lịch sử được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Hoạt động vận chuyển khách công cộng được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, kể từ 19 giờ ngày 10/8, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Quảng Trị còn các điểm phong tỏa, gồm: xóm Bàu thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh; xung quanh Công ty Bảo Châu, số 221 Lê Duẩn, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; khu phố 2, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà; tổ 5A thuộc khu phố 1, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà; thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh và Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh cơ sở 2.