Bộ Chính trị đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung
Ngày 11/8, Bộ Chính trị đã quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1223/QĐ-TTg tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Quyết định nêu rõ, tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông Nguyễn Đức Chung trong một số vụ án theo quy định của pháp luật.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác.
Liên quan đến việc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị tạm đình chỉ công tác để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan trong một số vụ án, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 11/8, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, theo điều tra ban đầu, ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án.
Thứ nhất, vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Thứ hai là vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại TP Hà Nội.
Thứ ba là vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” mà Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố đối với 3 bị can gồm : Nguyễn Anh Ngọc, sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; Phạm Quang Dũng, sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Bộ đội Biên phòng tiên phong trong công tác phòng chống dịch COVID-19
Theo Thiếu tướng Lê Đức Thái, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, phụ trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam áp dụng biện pháp hạn chế, tạm dừng nhập cảnh; cách ly tập trung với trường hợp nhập cảnh. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua các tuyến biên giới đất liền diễn biến phức tạp. Từ ngày 2/2-7/8, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã phát hiện, xử lý 16.530 người nhập cảnh trái phép; các đường dây, tổ chức nhập cảnh trái phép với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch; ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19; điều động tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch COVID-19 trên các tuyến biên giới; xây dựng kế hoạch tiếp nhận công dân Việt Nam trở về nước; kế hoạch điều chỉnh đáp ứng từng cấp độ dịch COVID-19; tăng cường biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh với đường dây đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép…
Đấu tranh quyết liệt với đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, BĐBP đã triển khai 11 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh 10 chuyên án; khởi tố, bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 41 vụ với 81 đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 1.721 người. Đồng thời, BĐBP phối hợp với các lực lượng giải quyết nhập cảnh cho trường hợp người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích ngoại giao, công vụ, các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, lưu học sinh Lào, Campuchia và lý do nhân đạo khẩn cấp…
Thiếu tướng Lê Đức Thái cũng thông tin, đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm COVID-19 trong lực lượng biên phòng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan đơn vị BĐBP triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ Tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”.
Về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ tập trung xác lập, đấu tranh các chuyên án triệt phá các đường dây, tổ chức đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép. Phối hợp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý địa bàn. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa quản lý, bảo vệ biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu vừa tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Làm việc với Bộ Tư lệnh BĐBP ngày 11/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của lực lượng BĐBP trong việc gìn giữ hòa bình biên giới, góp phần củng cố giao lưu giữa Việt Nam và các nước. Đặc biệt, lực lượng BĐBP phát huy vai trò quân đội nhân dân, trực tiếp tham gia xóa đói giảm nghèo, dạy chữ, chữa bệnh… cho nhân dân và cùng lực lượng công an chống tội phạm xuyên biên giới trong suốt thời gian qua.
Trước đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vai trò then chốt của lực lượng quân đội, trong đó có lực lượng BĐBP thực hiện nghiêm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lực lượng quân đội tăng cường kiểm tra, quản lý công tác cách ly các chuyên gia, nhà quản lý, lao động chất lượng cao… tại các địa phương hiện nay trên tinh thần đảm bảo mục tiêu “kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng cường năng lực bảo vệ quản lý biên giới trong tình hình mới; trong đó, chú ý tăng cường ứng dụng, trang bị các thiết bị công nghệ thông tin.
Chiều 11/8, có thêm 16 ca mắc mới COVID-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Trị
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 11/8, Việt Nam ghi nhận thêm 16 ca mắc mới. Trong đó 10 ca của Đà Nẵng, 4 ca Quảng Nam, 2 ca Quảng Trị.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 11/8, Việt Nam, có tổng cộng 863 ca mắc COVID-19, trong đó 318 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 405 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 165.983 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có 10 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; 51 ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2.
Trong chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin về trường hợp tử vong thứ 16 của bệnh nhân COVID-19 kể từ khi đại dịch xảy ra tại Việt Nam. Đó là bệnh nhân 832 (BN 832): bệnh nhân nam, 37 tuổi, địa chỉ Hướng Hóa, Quảng Trị.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 1, suy kiệt dài ngày, suy tim.
Từ ngày 8/8 - 10/8, bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Trị được lấy mẫu xét nghiệm;
Ngày 9/8, bệnh nhân có kết quả dương tính SARS-COV-2.
Ngày 10/8, do suy kiệt, bệnh nhân được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Quảng Trị chuyển đến Trung tâm cách ly và điều trị COVID-19 - Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2, được chẩn đoán: Viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp trên bệnh nhân đái tháo đường type I, suy tim, suy kiệt nặng (người teo đét, cân nặng 30 kg).
Ngày 11/8, bệnh nhân có 4 lần ngừng tuần hoàn hô hấp, được các bác sĩ tiến hành cấp cứu, hồi sức tích cực, tạo nhịp tim ngoài lồng ngực nhiều lần; 10 giờ 30: bệnh nhân tử vong.
Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do COVID-19 trên bệnh nhân đái tháo đường type 1 suy kiệt dài ngày, suy tim.
Giá vàng "lao dốc" về mốc 55 triệu đồng/lượng
Chiều 11/8, giá vàng trong nước tiếp tục tuột dốc và lùi về mốc 55 triệu đồng/lượng.
Lúc 13 giờ 55 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 53,63 - 55,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 1,85 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,79 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
Còn so với cuối ngày hôm qua, thương hiệu vàng này đã giảm hơn 3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 2,75 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Thời điểm này, Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 54,5 - 56,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
Giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu cũng rẻ đi tới hơn 2 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 54,1 - 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới đã tuột khỏi mốc 2.000 USD/ounce vào lúc đầu giờ chiều nay. Lúc 13 giờ 55 phút tính theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.999 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank hôm nay, giá vàng trong nước hiện tương đương với giá thế giới.
Khởi tố 'Phú Lê' về tội cố ý gây thương tích
Ngày 11/8, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn Phú (tức Phú Lê; sinh năm 1980; trú tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) và Hoàng Văn Thụy (sinh năm 1995; trú tại Kiên Thành, Trấn Yên, Yên Bái) về tội cố ý gây thương tích. Các quyết định đã được chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để phê chuẩn.
Theo điều tra, xuất phát từ mẫu thuẫn giữa vợ của Phú là Lã Thúy Kiều với Trần Thị Đào (tức Đào Chi Lê), tối 2/8, khi ngồi ăn với một số đàn em tại quận Hoàng Mai, Phú đã kể lại sự việc và bàn bạc với Hoàng Văn Thụy sẽ đến tận nhà chị Đào để đánh dằn mặt. Kế hoạch này được Phú giao cho Thụy và Trần Văn Tư (sinh năm 1988; trú tại Quỳnh Phụ, Thái Bình) thực hiện.
Sáng 3/8, Thuỵ và Tư đi mua tuýp sắt làm hung khí rồi chở nhau bằng xe máy đến nhà chị Đào ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Để tránh bị phát hiện, cả hai mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang xông vào nhà hành hung mẹ và dì của chị Đào khiến cả hai phải nhập viện.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội khẩn trương điều tra, xác minh. Căn cứ tài liệu, chứng cứ, lực lượng chức năng đã bắt giữ Lê Văn Phú và Hoàng Văn Thụy; đồng thời, triệu tập 14 đối tượng có liên quan để làm rõ vụ việc. Theo hồ sơ, Phú từng có hai tiền án về tội "Mua bán trái phép chất ma tuý" và "Gây rối trật tự công cộng".
Phú Lê cũng giống như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… là một giang hồ nổi tiếng trên mạng xã hội có ảnh hưởng rất xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.