Thời gian qua, chiến lược vaccine, trong đó “ngoại giao vaccine” là một mặt trận quyết định thành công của chiến lược, đã được triển khai rất bài bản, quyết liệt ở nhiều cấp khác nhau, đặc biệt từ cấp cao. Ngoại giao vaccine đã trở thành một nội dung trọng tâm trong các cuộc làm việc, hội đàm trực tiếp hoặc trực tuyến, các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Biến chủng làm đảo lộn thành quả chống dịch COVID-19
Ngày 27/4/2021 đánh dấu đợt bùng phát thứ tư dịch COVID-19 của Việt Nam khi ghi nhận ca mắc trong nước đầu tiên tại tỉnh Yên Bái.
Theo Bộ Y tế, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đợt dịch thứ 4 được gây ra bởi biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao, một người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (nhiều hơn 14 ngày).
Bộ Y tế nhận định, biến chủng Delta đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn. Dịch bệnh với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh đã làm nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Lúc này, công tác chống dịch của Việt Nam được thực hiện với công thức: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân cùng các trụ cột: Xét nghiệm, cách ly, điều trị; đồng thời kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công..
Vaccine được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đại dịch COVID-19. Với tầm nhìn xa và tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm để thực hiện chiến lược vaccine tập trung vào ba mũi nhọn: tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; sớm tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhằm chủ động và tiêm miễn phí vaccine cho nhân dân, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Bước đi đầu tiên trong thực hiện Chiến lược là Chính phủ đã quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Tính đến ngày 3/10, Quỹ đã tiếp nhận hơn 8.692 tỷ đồng.
Một chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động. Cụ thể, sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022, đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Chiến dịch đã huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước, ở Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, công an, quân đội, công lập và khu vực tư nhân. Chiến dịch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân. Đến nay, đã tiêm được hơn 44 triệu liều (tính đến sáng 3/10).
Trong triển khai chiến lược vaccine, một trong những nhiệm vụ cấp bách là tìm nguồn cung ứng vaccine nhanh nhất, sớm nhất cùng với việc tìm kiếm đối tác hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực tìm kiếm các nguồn vaccine, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vaccine, một mặt trận quan trọng trong triển khai Chiến lược vaccine mà Chính phủ đã đề ra nhằm kiểm soát dịch bệnh một cách căn cơ, đưa đất nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine (Tổ công tác) do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là Tổ trưởng; thành viên là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.
Tiếp cận nhanh nhất vaccine, thuốc phòng dịch
Đề cập đến sứ mệnh và nhiệm vụ của Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác, cho biết việc thành lập Tổ công tác có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có vaccine, để sớm đẩy lùi dịch COVID-19, đưa hoạt động kinh tế- xã hội, cuộc sống của nhân dân trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất có thể.
Việc thành lập Tổ công tác khẳng định quyết tâm rất cao và sự quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện chiến lược vaccine để mở rộng tiêm chủng cho toàn dân.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, bên cạnh việc tạo mọi thuận lợi để đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trước mắt cần đẩy mạnh ngoại giao vaccine để tiếp cận nhanh nhất, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị COVID-19 về nước nhiều nhất và sớm nhất có thể.
Bên cạnh đó, Tổ công tác của Chính phủ là cơ chế tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ liên quan nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao vaccine, đáp ứng kịp thời và tốt hơn nữa yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.
Phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, chủ động, phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, sáng tạo, hiệu quả, “đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, “đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa”, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh xúc tiến, vận động các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục viện trợ, hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 càng sớm, càng tốt.
Cùng với đó, nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, kết nối, thúc đẩy, đôn đốc các đối tác nước ngoài trong đàm phán, nhập khẩu và tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế; đẩy mạnh vận động các đối tác giao vaccine cho Việt Nam đúng hạn hoặc sớm hơn kế hoạch theo các thỏa thuận, hợp đồng đã ký; đồng thời chủ động, tích cực thẩm tra, xác minh các đối tác nước ngoài, thông tin liên quan đến khả năng cung cấp vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế mà Việt Nam có thể tranh thủ, nhập khẩu hoặc hợp tác sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hoạt động khẩn trương, quyết liệt, trách nhiệm cao của Tổ Công tác, gần 2 tháng qua, các hoạt động ngoại giao vaccine, đặc biệt là vận động cấp cao, đã đem lại những kết quả bước đầu tích cực.
Những thành quả từ chiến dịch ngoại giao chưa từng có tiền lệ
Trên chuyên cơ đưa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác về Việt Nam sau chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba và dự Phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 có 1,05 triệu liều vaccine Abdala của Cuba cùng 1 nghìn máy thở và các trang, thiết bị, vật tư y tế trị giá 8,8 triệu USD mà kiều bào tại Hoa Kỳ và các đối tác, với tinh thần tương thân tương ái, gửi tặng nhân dân Việt Nam.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen khẳng định lô vaccine trên của Cuba: “Là một minh chứng nữa cho mối quan hệ hợp tác sâu sắc giữa Việt Nam và Cuba”.
Theo Đại sứ, Việt Nam đã hợp tác với Cuba trên nhiều lĩnh vực, giúp đỡ nước này sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực tại Cuba cũng như trao đổi bài học kinh nghiệm về quá trình đổi mới của Việt Nam với Cuba. “Giờ đây, chúng tôi rất vui mừng khi có thể giúp đỡ được nhân dân Việt Nam anh em trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 này... Chúng tôi cũng rất vui mừng và tự hào là trong chiến lược vaccine của Việt Nam, Cuba cũng đóng góp một phần nhỏ cung cấp vaccine để giúp Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19”, Đại sứ Orlando Nicolas Hernandez Guillen nhấn mạnh.
Bên cạnh số vaccine này, trong khuôn khổ chuyến công du của Chủ tịch nước, các nước, các đối tác đã cam kết viện trợ và cung cấp 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam. Hoa Kỳ cam kết viện trợ một số lượng lớn vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX trong kỳ phân bổ sắp tới.
Trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến chuyến công tác của Chủ tịch nước và Đoàn cấp cao của Việt Nam, thăm chính thức hữu nghị Cuba và dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc 76, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết: Điều đặc biệt nhất của chuyến thăm lần này đó là công tác ngoại giao vaccine của Chủ tịch nước và Đoàn công tác đã được triển khai hết sức hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả này thể hiện nỗ lực rất cao của Chủ tịch nước và đoàn công tác cũng như của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai ngoại giao vaccine để làm sao mà đạt được kết quả cao nhất, vì sức khỏe, vì bình yên của nhân dân.
Ngay trước đó, chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thu được những kết quả thực chất. 200.000 liều vaccine Astra Zeneca do Bỉ và Slovakia trao tặng, hàng trăm trang thiết bị y tế do các tổ chức, cá nhân ủng hộ trị giá hơn 1.028 tỷ đồng. 365 triệu đồng ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ phòng, chống COVID-19 do cộng đồng người Việt Nam tại Áo và Czech ủng hộ củng được bàn giao trong dịp này. Đặc biệt, một số hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất kit test PCR, hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và sản xuất, đặt mua vaccine với tổng giá trị 12.285 tỷ đồng đã được ký kết.
Ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trong tổng thể ngoại giao vaccine của Việt Nam, đối ngoại của Quốc hội đã được tích cực triển khai sao cho đạt được mục đích cao nhất, nhiều vaccine nhất, nhanh nhất có được các loại thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước. Đoàn công tác đã phát huy thế mạnh của ngoại giao nghị viện, đó là vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, qua kênh ngoại giao nghị viện, nội bộ nghị viện các nước đều nhất trí ủng hộ chia sẻ vaccine cho Việt Nam, mong muốn góp phần giúp Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh cũng như khôi phục phục hồi sau đại dịch để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu. “Đây là thế mạnh mà tôi cho rằng Đoàn đã khai thác đúng điểm mạnh của ngoại giao nghị viện để thúc đẩy ngoại giao vaccine,” ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh.
Có thể nói, chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một trong những điểm nhấn quan trọng trong công tác ngoại giao vaccine thời gian qua.
Cùng với các chuyến thăm cấp cao, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo, tham gia trực tiếp vào công tác này qua các hình thức điện đàm với lãnh đạo cấp cao ở nhiều quốc gia chia sẻ về tình hình dịch và đề nghị hỗ trợ nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao đổi với các đối tác sản xuất vaccine, vật tư y tế, thuốc điều trị như Pfzier, AstraZeneca…, họp trực tuyến với với bà Aurélia Nguyễn, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX.
Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine đẩy mạnh xúc tiến, vận động và tìm kiếm, hỗ trợ thúc đẩy và triển khai viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc từ các đối tác song phương và đa phương. Bộ Ngoại giao, cơ quan thường trực của Tổ công tác đã chỉ đạo mạng lưới 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài huy động tổng lực các kênh ngoại giao để hiệp đồng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đàm phán, tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine, thuốc điều trị.
Triển khai quyết liệt công tác ngoại giao vaccine, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động tìm kiếm, tiếp xúc với các đối tác cung ứng nguồn vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc điều trị COVID-19; nhờ đó, nhiều cơ hội mới đã được mở ra.
Chia sẻ về hai “chiến công” ngoại giao vaccine liên tiếp hồi tháng 8, đưa thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 về Việt Nam và ký kết Bản Thỏa thuận giữ Bí mật (NDA) nhằm phục vụ chuyển giao công nghệ, sản xuất, phân phối vaccine Nanocovax do Việt Nam phát triển, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết để mua được vaccine từ Ấn Độ, Đại sứ quán đã phải triển khai nhiều mũi tiếp cận, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ở Ấn Độ. Đầu tiên là vận động chính giới, Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế; sau đó là vận động các đảng phái chính trị khác; và vận động chính đảng cầm quyền; vận động lãnh đạo của các địa phương đặt nhà máy sản xuất vaccine để họ vận động lên cấp chính quyền liên bang cho bán, xuất khẩu vaccine; cuối cùng là vận động chính các tập đoàn sản xuất vaccine.
Nhờ sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, công tác ngoại giao vaccine đã có những kết quả nổi bật. Tính đến ngày 3/10, tổng số vaccine phòng COVID-19 về Việt Nam là trên 54 triệu liều. Cùng với đó là nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc điều trị COVID-19. Những thành quả này tạo cho chúng ta niềm tin mạnh mẽ để chiến thắng đại dịch.
Bài 2: Những đóng góp quý báu của kiều bào và bạn bè