Tuyên bố chung của các nước nêu rõ đại dịch COVID-19 là không có biên giới, do đó giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này nằm ở sự đoàn kết, thống nhất toàn cầu và hợp tác đa phương. Các đại biểu tham gia phiên thảo luận nhất trí kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế để ngăn chặn, giảm thiểu những ảnh hưởng của đại dịch và khắc phục hậu quả của đại dịch, đảm bảo bảo vệ những người bị tổn thương nghiêm trọng nhất, trong đó bao gồm phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn tuổi và người khuyết tật, đồng thời tìm ra giải pháp chống lại các thông tin sai lệch, kỳ thị, phân biệt chủng tộc và bài ngoại.
Tuyên bố chung nhận định rằng cần thiết phải coi vaccine ngừa COVID-19 như một sản phẩm cộng đồng tốt cho sức khỏe của người dân toàn cầu, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của các quốc gia và những nền tảng có liên quan công tác phát triển và điều phối chế phẩm này, như cơ chế Tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT) và trụ cột điều phối vaccine của cơ chế này - sáng kiến COVAX - trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine và khả năng chi trả thông qua các kênh song phương và đa phương.
Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa đạt được công bằng trong tiếp cận vaccine, đồng thời tiến độ triển khai vaccine cũng không đồng đều. Tuyên bố trên nêu rõ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, vẫn thiếu khả năng tiếp cận đầy đủ với các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có và với mức giá phải chăng.
Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan tăng cường các nỗ lực phối hợp và đồng bộ để phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý ở các nước đang phát triển. Văn kiện này cũng kêu gọi các nước sản xuất vaccine có năng lực biến các cam kết của họ thành hành động và đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ vaccine cho các nước tiếp nhận.
Tuyên bố chung khuyến khích các nước hỗ trợ cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) và COVAX, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc mua sắm vaccine và tăng cường năng lực sản xuất ở các nước đang phát triển, để hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "về việc ưu tiên tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất trên thế giới, nhưng chưa được tiêm liều đầu tiên".