Đó là những ngày trung tuần tháng 5/2019, chúng tôi nhận được tin báo về vụ hủy hoại, đầu độc rừng thông tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà). Ngay sau đó, nhóm phóng viên TTXVN tại Lâm Đồng đã lập tức xuống hiện trường (cách thành phố Đà Lạt hơn 150 km) cùng sự trợ giúp của người dân. Chúng tôi bàng hoàng trước thực tế cả cánh rừng thông xanh ngắt bị hủy hoại đã bắt đầu chuyển sang màu đỏ, không còn khả năng cứu chữa. Thủ đoạn của những kẻ xấu phá rừng là “ken cây”- dùng khoan vào thân cây sau đó đổ thuốc sâu vào, cây sẽ từ từ chết đứng. Đây là khu rừng thông còn sót lại vì tất cả nhưng khu rừng thông trồng hơn 20 xung quanh đã bị lấn chiếm, san ủi thành đất vườn cà phê.
Vùng đất Lâm Hà là nơi còn diện tích rừng phong phú, đất đai màu mỡ lại khá thuận lợi để phát triển sản xuất, sang nhượng, chính vì thế rừng chính là nơi trú ngụ của các đối tượng “lâm tặc”. Trong đó có cả đối tượng nghiện hút, bảo kê sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, đe dọa nhà báo.
Sau khi tìm hiểu vụ việc, phóng viên TTXVN đã phát hiện có nhiều khuất tất trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương này. Một điều dễ dàng nhận thấy là sự thờ ơ của chính quyền các cấp ở huyện Lâm Hà trước việc cả một cánh rừng bị hủy hoại chết đứng. Những người đại diện cho chính quyền địa phương đều có chung một nhận định: đó là rừng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải tự bảo vệ. Đặc biệt, 3 - 4 ngày sau khi các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng, lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà và UBND xã Tân Thanh mới trực tiếp xuống địa bàn để chứng kiến hậu quả do sự quản lý lỏng lẻo đất rừng gây ra. Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã làm sáng tỏ việc có hay không sự bảo kê của các lực lượng chức năng khiến cho các đối tượng phá rừng ngày càng lộng hành.
Từ loạt phóng sự điều tra này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an vào cuộc điều tra. Sau đó, Công an tỉnh Lâm Đồng lập chuyên án và đã bắt được kẻ cầm đầu là Bạch Đình Kế cùng với 5 đối tượng khác được Kế thuê đi phá rừng. Thủ đoạn của các đối tượng là dùng khoan pin khoan vào thân cây sau đó đổ thuốc sâu vào khiến gần 3.500 cây thông 20 năm tuổi trồng từ năm 2002 bị chết đứng. Sau những phản ánh đó, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ, truy bắt được kẻ cầm đầu, tiến hành khởi tố, truy tố 7 bị can hủy hoại 10 ha rừng trồng. Loạt bài “Hàng nghìn cây thông bị đầu độc tại Lâm Đồng” đã được trao giải C, Giải báo chí TTXVN năm 2019.
Lâm Đồng là nơi có mật độ che phủ rừng trên 54%, cũng là nơi diễn ra nhiều vụ phá rừng có quy mô. Bởi vậy, chúng tôi thường xuyên có những chuyến đi xuyên rừng, đến tất cả những điểm “nóng” về rừng. Nhiều vụ việc phóng viên phát hiện trước và chủ động cung cấp thông tin tư liệu cho cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra. Ngoài vụ hủy hoại rừng tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), nhiều thông tin được phóng viên Cơ quan TTXVN thường trú tại Lâm Đồng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo được hiệu ứng xã hội tích cực như: vụ rừng 20 năm tuổi tại xã Liên Hà, xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) bị triệt hạ; phát hiện nhiều vụ phá rừng tại xã Phi Liêng, Đạ K’ Nàng (huyện Đam Rông); công tác quản lý trật tự xây dựng tại Đà Lạt vụ “hô biến đất rừng phòng hộ thành khu du lịch vườn thưởng uyển bay”; chấn chỉnh hoạt động xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm trong loạt bài “Ma trận” trong trình tự ban hành văn bản quản lý đất đai tại hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt”. Trong đó, vụ phá rừng tại xã Phi Liêng, Đạ K’ Nàng (huyện Đam Rông); “Ma trận” trong trình tự ban hành văn bản quản lý đất đai tại hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt” được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Lâm Đồng báo cáo, làm rõ.
Nhà báo Lâm Viên - Văn phòng Báo Thanh Niên tại Lâm Đồng cho rằng: Từ thông tin đầu tiên của TTXVN về vụ hủy hoại rừng ở Lâm Hà, nhiều cơ quan báo chí, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, qua đó có thể khẳng định vai trò của cơ quan báo chí đã được khẳng định. Đây là một trong số ít vụ phá rừng trên địa bàn được khởi tố, xác định được các nghi can. Từ sự chỉ đạo của Bộ Công an, tỉnh Lâm Đồng vào cuộc, kiên quyết bắt được kẻ cầm đầu dù đã trốn ra nước ngoài để di lý về Việt Nam khởi tố, điều tra làm rõ.
"Qua loạt bài này có thể khẳng định phóng viên TTXVN thường trú tại Lâm Đồng đã góp tiếng nói giúp địa phương chấn chỉnh việc quản lý bảo vệ rừng", nhà báo Lâm Viên khẳng định.
Với những người làm báo công tác tại Cơ quan thường trú các địa phương, dù ở xa cơ quan chủ quản, nhiều khó khăn thử thách nhưng niềm vui lớn nhất với chúng tôi chính là qua những bài viết, hình ảnh, phóng sự truyền hình... ghi nhận từ thực tế đã được công chúng khắp nơi đón nhận, cổ vũ, góp phần nhân lên sức mạnh chính nghĩa để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn!