Xây dựng Đảng trong sạch, phát huy sức mạnh toàn dân tộc
Tham dự đại hội, Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang, Chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang cho biết: Các đại biểu kỳ vọng đại hội sẽ phát huy trí tuệ, sự đoàn kết và năng động, đổi mới, có các giải pháp đưa đất nước đi lên mạnh mẽ trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới để xây dựng Đảng, xây dựng đất nước giàu đẹp và phồn vinh, thịnh vượng trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đồng chí Nguyễn Văn Danh, cần coi trọng hơn nữa về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với nâng cao hiệu lực công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Sáng 20/1/2016, tại Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trên đường Bắc Sơn. |
Hết sức tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bà Lê Thị Xuân Mai (phường 3, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Tôi mong muốn và kỳ vọng đại hội lần này sẽ lựa chọn kỹ càng về nhân sự. Những đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới phải đủ tâm, đủ tầm, có kiến thức sâu rộng về hội nhập, có bản lĩnh chính trị vững vàng để gánh vác trọng trách quan trọng mà nhân dân giao phó. Kiên quyết không đưa vào Ban Chấp hành khóa mới những cán bộ đã có khuyết điểm liên quan đến tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, xa rời dân.
Tôi kỳ vọng từng đồng chí Ủy viên Trung ương khóa mới sẽ ra sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, hiến kế cho Đảng và Nhà nước kiên quyết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lắng nghe và giải quyết có hiệu quả tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Muốn làm được điều này, mỗi đồng chí phải là tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, lấy việc nước đặt lên hàng đầu, lấy nhân dân làm trọng, nói đi đôi với làm. Có như vậy dân mới tin và theo Đảng và Đảng mãi mãi trường tồn trong lòng người dân nước Việt”.
Tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng
Các cán bộ, đảng viên, và mọi tầng lớp quần chúng nhân dân đồng tình với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội đã nêu trong dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng, trong đó có nội dung tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, miền núi tiến kịp miền xuôi, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân mọi miền đất nước.
Theo bà Hà Thị Hạnh (Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông), thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, bộ mặt nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Đắk Nông hiện nay đã từng bước khởi sắc về mọi mặt. “Chúng tôi mong và kỳ vọng Đại hội XII của Đảng tập trung bàn thảo, đề ra nhiều quyết sách sát với thực tiễn, trong đó tập trung các chính sách ưu tiên đầu tư vào khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không nên đầu tư dàn trải, manh mún, cần có chính sách dài hạn, có lộ trình phát triển theo từng giai đoạn cụ thể, đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đầu tư đồng bộ... để từng bước phát triển về mọi mặt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc” - bà Hà Thị Hạnh khẳng định.
Anh Trương Văn Nhung, người dân xã Mỹ Phong (thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang) phấn khởi: “Rất mong sau đại hội, các chủ trương, chính sách, nghị quyết sớm đi vào đời sống, nhất là các chính sách hỗ trợ để đưa nông nghiệp - nông dân - nông thôn đi lên bền vững”.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn đại hội sẽ đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên về đầu tư phát triển đối với kinh tế vùng biển, giúp người dân khu vực ven biển có đời sống tốt hơn. Đại biểu Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng kỳ vọng Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ có giải pháp về phát triển kinh tế biển theo hướng hiện đại, bền vững.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Đại hội XII diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, đặc biệt là vấn đề an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm tới việc Đảng có những quyết sách, đường lối đúng đắn và phù hợp, phát huy thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Ông Nông Ngọc Tăng (Nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn) trao đổi: Cần coi trọng việc kết hợp tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc bảo đảm quốc phòng - an ninh. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân rất quan trọng, vì vậy, cần phải có các chính sách hỗ trợ nhân dân vùng biên giới phát triển kinh tế. Bởi vì kinh tế của người dân khá lên thì mới có thế trận quốc phòng tốt hơn. Trong các giải pháp, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và phát triển hàng hóa tiêu thụ trên thị trường… Cần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đặc biệt, cần tập trung xây dựng các xã trọng điểm về kinh tế và quốc phòng - an ninh. Ngoài những khu kinh tế quốc phòng đã có cần xây dựng các khu kinh tế quốc phòng mới, nhằm tạo thế và lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh.