Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, đây là hội nghị Ngoại giao kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương, nhiều doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, cùng tất cả các cơ quan đại diện ở nước ngoài… Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, giúp cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có sự định hướng rõ ràng, nắm được các trọng tâm, những ưu tiên của nền kinh tế Việt Nam để từ đó tập trung vào những điểm mà địa bàn mình có thế mạnh. Hội nghị cũng giúp cho các cơ quan đại diện ở nước ngoài hiểu được cách làm, cách phối hợp hiệu quả và nắm bắt được nhu cầu trong nước. Một điều quan trọng nữa là hội nghị giúp cho các cơ quan đại diện tự tin hơn trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế vì biết được đằng sau có sự quan tâm, hỗ trợ rất mạnh mẽ ở trong nước của chính phủ và các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, năm 2023 có những điểm mới nên Việt Nam phải điều chỉnh cách làm Ngoại giao kinh tế và có những ưu tiên phù hợp hơn. Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới đứng trước rất nhiều thách thức, từ tăng trưởng giảm cho đến các thách thức về vấn đề năng lượng, lương thực, khủng hoảng ngân hàng. Kinh tế Hoa Kỳ đứng trước nguy cơ suy thoái, mặc dù lãi suất liên tục tăng nhưng lạm phát vẫn cao, nhu cầu thị trường giảm sút, dẫn đến nhiều thách thức trong quan hệ kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là tình trạng giảm sút đơn hàng, các vụ phòng vệ thương mại liên quan hàng hóa Việt Nam cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những thuận lợi để tập trung khai thác. Đó là thuận lợi về nhu cầu về đa dạng hóa nguồn cung ứng của Hoa Kỳ và thế giới đang rất lớn. Nhờ vào vị trí địa kinh tế, chính sách của chính phủ và năng lực của các địa phương, doanh nghiệp, Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn, có khả năng sinh lợi tốt hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong điều kiện đó, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng một mặt, công tác Ngoại giao kinh tế phải duy trì và tạo dựng thêm các khuôn khổ hợp tác về kinh tế, trong đó có Thỏa thuận đầu tư và thương mại giữa hai nước. Việt Nam cũng đang thảo luận về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), và năm nay Hoa Kỳ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), đó chính là những khuôn khổ để tăng cường giao lưu, giao dịch kinh tế giữa hai nước. Mặt khác, Việt Nam phải cố gắng duy trì được thị trường để mở rộng thêm các mặt hàng có thể xuất sang Hoa Kỳ, phải bảo vệ được những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước các vụ điều tra, chống bán phá giá hay gian lận thương mại của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam. Về đầu tư, cần tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có thế mạnh như năng lượng tái tạo, công nghiệp bán dẫn hay nông nghiệp công nghệ cao …
Thời gian qua, theo Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam đã bước đầu tận dụng tốt những thuận lợi này và kết quả là sự ủng hộ quan tâm của Hoa Kỳ đối với Việt Nam ngày càng tăng. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm các cơ sở sản xuất, tăng cường thêm đầu tư. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp mới của Hoa Kỳ cũng rất quan tâm và mong muốn đến Việt Nam. Một điểm mới nữa là các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại Hoa Kỳ thời gian gần đây cũng khá nhiều và được phía Hoa Kỳ đánh giá cao. Đây là những điều rất đáng hoan nghênh, tạo thêm thuận lợi cho công tác Ngoại giao kinh tế tại địa bàn Hoa Kỳ.
Để làm tốt công tác Ngoại giao kinh tế, theo Đại sứ cần lưu ý một số điểm sau: Một là, cần nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của công tác này cũng như các chủ thể làm Ngoại giao kinh tế phải hiểu rõ nhiệm vụ, yêu cầu và năng lực của mình để có thể tiếp thu được những lợi thế từ bên ngoài. Hai là, cần có sự phối hợp rất chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, các tổ chức với nhau, để có sự đặt hàng và phản hồi giữa bên trong và bên ngoài một cách hiệu quả, kịp thời. Ba là, cần tăng cường nguồn lực cho các đơn vị làm Ngoại giao kinh tế trong nước cũng như các cơ quan đại diện ở nước ngoài, kể cả nguồn lực về con người và tài chính. Ngoài tinh thần nhiệt tình, chủ động, cán bộ làm công tác Ngoại giao kinh tế cũng cần phải nâng cao năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, sự thông hiểu về thế giới và địa bàn.