Những điểm mới trong Hiến pháp sửa đổi

Ngày 2/12/2013, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm mới, đặc biệt là các điều liên quan đến quyền con người, quyền công dân; Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội; tổ chức chính quyền địa phương...


Hoàn thiện quyền con người theo hướng tiến bộ


Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, việc ghi nhận các quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp sửa đổi còn làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp 1992; bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước.

 

Ngày 8/12/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Lệnh công bố Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Nguyễn Khang - TTXVN


Không chỉ dừng ở mức độ ghi nhận, Hiến pháp sửa đổi còn có nhiều quy định mang tính cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền con người, quyền công dân được thực thi. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên phân tích: “Hiến pháp sửa đổi có những tiến bộ trong việc bổ sung, hoàn thiện các quyền con người, quyền công dân theo xu thế tiến bộ chung của hiến pháp các nước cũng như luật pháp quốc tế. Quyền công dân đã được ghi nhận theo hướng trách nhiệm của Nhà nước phải đảm bảo thực hiện”.


Làm nổi bật vai trò của MTTQ Việt Nam


Phân tích các điều quy định về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, PGS.TS Bùi Xuân Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học mặt trận, UBTƯMTTQ Việt Nam khẳng định: Hiến pháp sửa đổi đã hoàn thiện một bước cơ bản quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, làm nổi bật và phù hợp vị trí, vai trò của các tổ chức này trong xã hội nước ta, tạo cơ sở pháp lý phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong đời sống chính trị của đất nước trong thời kỳ mới.


Theo ông Bùi Xuân Đức, quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ tại Hiến pháp lần này đã được điều chỉnh khá hợp lý. Theo đó, về phương thức quy định, Hiến pháp sửa đổi đã quy định tách biệt vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và thành hai khoản riêng biệt (Khoản 1 và 2 Điều 9). Hiến pháp mới cũng dành một khoản riêng (Khoản 2) để quy định về 5 tổ chức chính trị - xã hội: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam chứ không chỉ quy định về mỗi Công đoàn Việt Nam như Hiến pháp cũ.


Còn xét về nội dung quy định, ông Đức cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này đã quy định lại phù hợp hơn về vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của nước ta là: Chỉ "MTTQ Việt Nam - tổ chức liên minh chính trị của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp” mới "là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”, chứ không phải "MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên” là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân như cách quy định cũ.


Điều chỉnh địa giới, phải lấy ý kiến nhân dân


Thực tế cho thấy, việc đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới là rất cần thiết. Hiến pháp sửa đổi đưa ra những quy định khái quát về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở hiến định để xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điểm mới của Hiến pháp về chính quyền địa phương là đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; có quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính.


Cụ thể, Hiến pháp quy định, việc thành lập, giải thể, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến của nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. Về tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp sửa đổi quy định theo hướng, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Theo TS. Đỗ Đức Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Trung cấp luật Đồng Hới (Bộ Tư pháp), Hiến pháp quy định như vậy là hợp lý. Ông Hà cho rằng: “Hiến pháp chỉ quy định chung nhất, còn những vấn đề cụ thể sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và hiện còn nhiều ý kiến chưa rõ, chưa thống nhất về vấn đề này”.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN