Những chiến sĩ mũ nồi xanh sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế

Ngày 27/4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ làm lễ xuất quân đưa Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trước ngày Đoàn lên đường, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị cũng như nhiệm vụ của Đoàn.

Chú thích ảnh
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết thi đua trước khi Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Xin Thiếu tướng cho biết những thông tin tổng quan về hai lực lượng này khi làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc?

Ngày 27/4, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ làm lễ xuất quân cho hai đơn vị, đó là Bệnh viện dã chiến cấp hai, số 4 và Đội công binh số 1. Đây là lần đầu tiên chúng ta đưa một lực lượng lớn tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia vào tháng 6/2014 đến nay.

Về Đội công binh số 1, chúng ta đã có thời gian chuẩn bị hơn 5 năm với lực lượng nhân sự về chuyên môn, chuyên ngành công binh rất cao. Các đồng chí đều là những kỹ sư, chuyên gia máy, những thợ xây dựng ở bậc cao được tuyển chọn từ 21 đơn vị để triển khai trong các đợt huấn luyện. Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về nhân lực ở các đơn vị, như đội công binh công trình, đội công binh xây dựng mặt bằng đường xá, cầu cống, kể cả lực lượng đảm bảo cho an ninh, an toàn trong Đội Công binh số 1 lấy từ Bộ Tư lệnh Đặc công.

Trong đội hình này còn có lực lượng thông tin liên lạc, rồi Bệnh viện dã chiến cấp một cũng như các lực lượng đảm bảo khác. Đây là lực lượng được chuẩn bị về tâm thế, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cao, có kiến thức gìn giữ hòa bình và đặc biệt là được chuẩn bị về  kinh nghiệm hoạt động ở trong môi trường đa phương. Các đồng chí đều có kiến thức về đối ngoại quốc phòng và công tác phối hợp trong môi trường đa phương của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA.  

Trong thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tạo mọi điều để lực lượng công binh của có được các trang thiết bị, vũ khí, khí tài tốt từ ba nguồn khác nhau để đáp ứng cho nhiệm vụ. Nguồn thứ nhất là các trang thiết bị sẵn có từ Bộ Quốc phòng. Nguồn thứ hai là cải hoán một số loại trang thiết bị, xe máy và vũ khí, khí tài phù hợp với các tiêu chí của Liên hợp quốc. Và nguồn thứ ba là mua sắm trang thiết bị mới từ nước ngoài.  

Với ba nguồn này,  chúng ta đã đáp ứng được đề xuất của Liên hợp quốc đối với Đội Công binh với những chức năng lớn, đó là chức năng xây dựng mặt bằng, xây dựng cầu, phà, bến cảng, làm sân bay hay là doanh  trại gia chiến...

Bên cạnh đó Đội Công binh của chúng ta cón làm nhiệm vụ xây dựng nhà cao tầng (không quá bốn tầng) theo đề xuất của Liên hợp quốc… Đây là những nhiệm vụ mà lực lượng công binh của chúng ta ở trong nước vẫn thường làm và hoàn toàn có đầy đủ năng lực để hoàn thành tốt những nhiệm vụ này.

Ở trong nước, Đội Công binh này do Bộ Tư lệnh Công binh triển khai làm những công trình quốc phòng ở quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao đã thành công thì những đòi hỏi, yêu cầu mà Liên hợp quốc đặt ra, tôi tin tưởng rằng chúng ta hoàn toàn có đầy đủ năng lực để triển khai và sẽ thành công tại Phái bộ.

Xin Thiếu tướng cho biết cụ thể Phái bộ mà Đội công binh số 1 sẽ đến làm việc ở quốc gia nào?

Phái bộ UNISFA là Phái bộ được hình thành từ năm 2011 nằm ở vùng tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Ở đây, trước đã có lực lượng bộ binh, công binh của Ethiopia đảm nhiệm nhiệm vụ này.  

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, Liên hiệp quốc đã lựa chọn trong số 15 đơn vị công binh của một số quốc gia để lấy một  đơn vị có chất lượng cao hơn để thay thế cho lực lượng công binh của Ethiopia đã mãn hạn và về nước.  

Chính vì lẽ đó, Việt Nam đã lựa chọn 184 đồng chí có đủ năng lực, trình độ sử dụng thành thạo vũ khí, trang thiết bị do đội kiểm tra tiền trạm của Liên hiệp quốc sát hạch. Qua đó, Liên hợp quốc nhận thấy Đội công binh của Việt Nam là tiêu biểu nhất trong số 15 Đội công binh có thể triển khai tại UNISFA.

Vì vậy Đội công binh của Việt Nam đã được Liên hợp quốc chọn vào cuối tháng 10/2021. Hiện trang thiết bị mang theo của Đội Công binh số 1 khoảng trên 2.000 tấn đã được đưa xuống cảng Hải Phòng và Liên hiệp quốc đã trở  số trang thiết bị, vũ khí, khí tài này sang Uganda.

Dự kiến trong tháng 5, Liên hợp quốc sẽ dùng máy bay để vận chuyển lực lượng và thiết bị này đi làm nhiệm vụ tại Liên hợp quốc.

Chú thích ảnh
Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn trước ngày lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Thưa Thiếu tướng, trước khi đoàn lên đường làm nhiệm vụ, lực lượng này đã được huấn luyện như thế nào để đáp ứng được yêu cầu mà Liên hợp quốc đưa ra?

Nhiệm vụ của Đội công binh số 1 do Liên hợp quốc đề xuất sẽ giải quyết hai nhiệm vụ chính.  

Một là xây dựng các công trình mặt bằng, như: Sân bay, bến cảng, làm các công trình thoát nước, làm lán trại cho lực lượng tị nạn, hay khoan giếng để phục vụ đời sống của những người tị nạn ở vùng biên giới.  

Hai là xây nhà cao tầng (nhưng không quá 4 tầng). Đây là nhiệm vụ mà đối với nhiều quốc gia họ cần phải có thời gian chuẩn bị và phải được huấn luyện rất tỉ mỉ về chuyên ngành. Nhưng đối với lực lượng công binh của Việt Nam thì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm nhất là làm những công trình quốc phòng phức tạp này đều nằm trong khả năng, phạm vi mà các lực lượng công binh của chúng ta có thể hoàn thành tốt.

Tôi tin tưởng rằng Đội công binh số 1 của chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Liên hợp quốc đang mong đợi. Trong đội hình công binh của chúng ta có ba phân đội làm cầu đường, xây dựng sân bay, bến cảng. Ngoài ra  chúng ta còn có một phân đội làm chức năng bảo vệ. Đối với yêu cầu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đặt ra nhiệm vụ triển khai tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc không chỉ đáp ứng yêu cầu chuyên môn và hoàn thành nhiệm vụ mà chúng ta còn phải chỉ huy, chỉ đạo sao cho các lực lượng đi làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất.  

Chúng ta đã ký một thỏa thuận với Liên hiệp quốc để đảm bảo rằng, chúng ta có quyền khước từ những nhiệm vụ có tính rủi ro cao, mất an ninh, an toàn hay đi ngược lại với những thuần phong, mỹ tục hay những điều kiện của đường lối đối ngoại mà chúng ta đã đặt ra với Liên hợp quốc. Vì vậy, cho dù chúng ta triển khai lực lượng công binh dưới ngọn cờ của Liên hợp quốc nhưng chúng ta vẫn  giữ quyền chủ động, quyền tự quyết trong thực hiện các nhiệm vụ mà ta phối hợp với Liên hợp quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Liên hợp quốc.

Xin Thiếu tướng cho biết Đội công binh Việt Nam lần này có những thuận lợi gì khi triển khai nhiệm vụ, nhất là được kế thừa những kinh nghiệm của các đội đi trước.

Trong 8 năm qua kể từ ngày chúng ta triển khai hai sĩ quan quan sát viên quân sự đầu tiên cho đến việc triển khai Bệnh viện dã chiến, và bây giờ là đội công binh, chúng ta đã đi một chặng đường dài với những nhiệm vụ từ đơn giản tới phức tạp.  

Từ hoạt động độc lập của các cá nhân đến những hoạt động đơn vị, quá trình chúng ta tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã giúp chúng ta tìm hiểu được tình hình, khả năng đảm bảo an ninh, an toàn ở các Phái bộ. Các sĩ quan của chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ ở các cấp khác nhau. Bây giờ trở lại làm nòng cốt cho Đội công binh, các lực lượng của chúng ta đã có thông tin toàn diện hơn khi đã hiểu được tình hình ở địa bàn, hiểu được quy trình phải xử lý chuẩn theo đòi hỏi của Liên hợp quốc.

Chúng ta đã có những biện pháp và có kinh nghiệm trong xử lý quan hệ trong môi trường đa phương. Rất nhiều quốc gia cùng hoạt động ở địa bàn, nhưng chúng ta đã xây dựng được tình cảm, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, của bộ đội Cụ Hồ tại các cái nước như Nam Sudan hay Cộng hòa Trung Phi.

Đến nay khi chúng ta triển khai Đội Công binh có sự ủng hộ rất lớn của các quốc gia sở tại. Chúng ta có được sự đồng thuận của bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Liên hợp quốc đối với hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và chúng ta rất phấn khởi khi tỷ lệ sĩ quan của Việt Nam trong thời gian qua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tới 33,3%, trong khi tỷ lệ này ở mức trung bình của Liên hợp quốc chỉ là 1-2%.  

Đội công binh của Việt Nam có tỷ lệ nữ rất cao với 23 người, trên 12,5%, trong khi ở các quốc gia khác chỉ là 6-7%. Ngoài ra bệnh viện dã chiến cấp 2 của ta cũng có tỷ lệ nữ cao, ví dụ như bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 có tới 13 nữ/63 người chiếm tới 17%...

Chú thích ảnh
Trung tá Nguyễn Thị Minh Phương ký kết thi đua trước giờ lên đường làm nhiệm vụ tại Liên hợp quốc.

Các lực lượng của ta đang tham gia ở hoạt động cá nhân, độc lập trên cương vị sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự hay sỹ quan phân tích tình báo cũng có 4/21 đồng chí. Những tỷ lệ này được Liên hợp quốc rất khuyến khích và đánh giá rất cao.

Có một điều mà chúng tôi đã nhận thấy rất thành công, làm cơ sở để cho đội công binh triển khai đó là năng lực của các sĩ quan Việt Nam. Cho dù hoạt động đơn lẻ, độc lập hay là ở trong đội hình của đơn vị thì khả năng thích ứng của sĩ quan Việt Nam đều đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, về đời sống, sinh hoạt đến là những thiếu thốn về điện, về nước.

Vì vậy, ở đâu có sĩ quan Việt Nam thì ở đó là có lòng tin của lãnh đạo Liên hợp quốc. Tháng 10/2019, khi gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lúc đó trên cương vị Thủ tướng tại Thái Lan thì Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres nói rằng, các sĩ quan Việt Nam là một trong những lực lượng mà uy tín nhất và có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất ngày nay ở các Phái bộ của Liên hợp quốc.

Điều này đã khẳng định lại sĩ quan của chúng ta có năng lực, sức khỏe, trình độ và đặc biệt là phẩm chất chính trị sẵn sàng vượt lên các thách thức. Lực lượng gìn giữ hòa bình của ta được lãnh đạo của Liên hợp quốc, các nước khen ngợi về những thành công trong 8 năm qua.

Trong thời gian tới Việt Nam sẽ mở rộng thêm địa bàn hoạt động, đưa thêm các lực lượng đến các Phái bộ và mở rộng cả quy mô lẫn các loại hình của các đơn vị như bộ binh, quan sát viên, kiểm soát quân sự, dân sự, công an…

Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát động thi đua trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Liên hợp quốc
Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam phát động thi đua trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Liên hợp quốc

Sáng 21/4, Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) đã tổ chức lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn, lễ phát động thi đua trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ. Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng – Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam chủ trì buổi lễ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN