Những ảnh hưởng ban đầu từ bão số 3

Từ 19 giờ ngày 30/7, mưa lớn và gió mạnh đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân ven biển.


Lực lượng quản lý đê và nhân dân xã Hưng Hòa (thành phố Nghệ An, tỉnh Nghệ An) xúc cát để hàn khẩu đê Tả Lam bị sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Tại TP.Hạ Long, mực nước biển ở khu vực Vựng Đâng, phường Yết Kiêu, đường bao biển từ cột 3 đến Cột 8, nơi có tàu bè đã neo đậu, dâng cao khoảng gần 1m. Công trình mở rộng đường tại Cột 3 đang thi công bị ngập nước. Một thuyền nhỏ của ngư dân đỗ điểm sai quy tại khu vực bến phà cũ, phường Hồng Gai bị sóng đánh vỡ mạn, chìm nửa thân tàu.

Ở các huyện ven biển do làm tốt công tác phòng chống bão nên đến 22 giờ ngày 30/7 vẫn chưa có thiệt hại gì do bão gây ra. Tin từ huyện Đầm Hà, huyện đã kịp thời liên lạc, hướng dẫn được 215 tàu về nơi trú ẩn an toàn, hơn 1500 diện tích lúa mùa đã được bảo vệ tốt; Xây dựng phương án di dân cho trên 20 hộ dân ở các xã vùng cao Quảng Lâm, Quảng Lợi, Quảng An, có nguy cơ bị lũ quét do ảnh hưởng do cơn bão số 3. Ở huyện Tiên Yên cũng kịp thời gia cố bờ đầm chắc chắn của hơn 600 ha diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản. Ở huyện đảo Cô Tô, Ban phòng chống lụt bão của huyện huy động các lực lượng tuần tra, kiểm soát và dùng tín hiệu của đồn 16 bắn tín hiệu cho bà con ngư dân trên biển đưa phương tiện vào nơi trú tránh an toàn, kết hợp giữa lực lượng bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang địa phương phối hợp cùng với Ban PCTT& TKCN của huyện dùng phương tiện xuồng cứu hộ cứu nạn đưa 100 phương tiện vào nơi trú ẩn an toàn.

Tầu thuyền neo đậu an toàn tại cửa Lạch Bạng - Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


Chiều tối ngày 30/7, khu vực miền đông của tỉnh Quảng Ninh có gió cấp 3-4, giật cấp 6,7; khu vực Hạ Long, Cẩm Phả cấp 6-7, giật cấp 8. Dự báo, đêm nay khu vực Quảng Ninh vẫn tiếp tục có mưa và cường độ gió khá mạnh, nhất là khu vực ngoài khơi gió cấp 8-9, giật cấp 10-11, biển động mạnh.

* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, chiều tối 30/7, vùng tâm bão đã đi vào địa phận Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Do chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị ứng phó với bão nên đến thời điểm này bão chưa gây thiệt hại gì lớn cho Thanh Hóa.

Nhân dân phường Quảng Tiến thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) vận chuyển nông sản đến nơi an toàn. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Ông Nguyễn Trọng Hải, Chánh văn phòng Văn phòng thường trực BCH Phòng chống lụt bão Thanh Hóa cho biết: “Từ thời điểm này, trọng tâm chống bão lụt ở Thanh Hóa sẽ chuyển sang địa bàn các huyện miền núi, nơi dễ xảy ra lũ ống, lũ quét. Thanh Hóa hiện có 386 khu vực, 4.581 hộ với 20.485 người dân nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Để chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, ngành Công thương Thanh Hóa đã dự trữ 590 tấn gạo tẻ, 10.550 thùng mì tôm, 1.760 thùng nước uống, 1.000 tấn muối i-ốt, 206 tấn dầu hỏa, 1,605 triệu lít xăng dầu, 36.500m2 ni lon, vải bạt cùng các nhu yếu phẩm, thuốc men khác lên 11 huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập. Ngành giao thông vận tải cũng thành lập 6 tổ công tác thường trực bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường huyết mạch nối miền núi Thanh Hóa với miền xuôi...

Do ảnh hưởng của bão, trưa và chiều tối ngày 30/7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, gió giật cấp 5, cấp 6, vùng ven biển cấp 7, cấp 8. Lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh từ 100 đến 200mm. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước thời điểm bão số 3 đổ bổ vào đất liền, 6 huyện ven biển ở Thanh Hóa đã tập trung cho công tác di dời dân tránh bão. 20.181 người dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển, vùng mép nước, cửa sông đã được di dời đến nơi an toàn.

Tàu thuyền của xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã về bến trú an toàn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Theo ghi nhận của phóng viên, tại 2 xã ven biển Quảng Nham, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương), chính quyền địa phương đã tới từng hộ gia đình ở các vị trí nguy hiểm vận động, động viên người dân khẩn trương sơ tán tránh bão vào các địa điểm an toàn như Nhà văn hóa, trường học... Tại vùng biển Đa Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) công tác phòng chống bão, chạy bão diễn ra khẩn trương và nhanh chóng. Chỉ trong buổi sáng, toàn bộ số dân sống gần mép nước đã được sơ tán vào sâu trong đất liền an toàn. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với lực lượng biên phòng cứu hộ thành công 2 tàu cá bị gãy chân vịt và bị mắc cạn cách đất liền 3km về bến an toàn.

* Tại vùng biển huyện Kim Sơn, Ninh Bình, chiều tối 30/7 đã có gió bão giật cấp 7-8 kèm theo mưa to, lực lượng bộ đội Biên phòng phối hợp với các xã ven biển đã hoàn tất công tác di dân, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Hiện toàn bộ 122 phương tiện với 244 lao động đang hoạt động trên biển đã vào nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng Biên phòng đã kêu gọi hơn 7 00 lao động tại 248 lều đang trông coi ngao ngoài vùng bãi bồi Cồn Nổi vào bờ an toàn và hơn 920 hộ với trên 1 . 600 nhân khẩu về nơi trú bão an toàn. Lực lượng công an các xã phối hợp với công an, dân quân tự vệ, thành lập các chốt ngăn không người dân ra vùng ngoài đê biển, và canh giữ tài sản cho ngư dân. Bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch huyện Kim Sơn cho biết: Huyện đã thông báo cụ thể diễn biến của bão để nhân dân chủ động đề phòng; đồng thời chỉ đạo các ban ngành chức năng có phương án tiêu kiệt nước đệm chống úng ngập cho diện tích lúa mùa và bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản cho nhân dân.

Văn Đức, Hoa Mai, Văn Đạt




Đê Vinh bị sạt lở - một người chết do mưa bão
Đê Vinh bị sạt lở - một người chết do mưa bão

Mặc dù bão số 3 chưa đổ bộ vào Nghệ An nhưng đến 18 giờ 30 ngày 30/7 trên địa bàn Nghệ An đã có những thiệt hại ban đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN