Nhiều vấn đề 'nóng' tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017

Chiều 3/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, thông tin về những vấn đề kinh tế - xã hội nổi bật trong thời gian qua.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông báo những kết quả của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017.

Về chương trình phiên họp, Chính phủ tập trung bàn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Phiên họp diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ với nhiều kết quả nổi bật. Thủ tướng đã có buổi hội đàm với Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống, nhiều Bộ trưởng trong Nội các Hoa Kỳ.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ khẳng định tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện, được xác lập năm 2013, tiếp tục phát triển hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.

Chuyến thăm là sự tiếp nối chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ thăm song phương Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Hoa Kỳ, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 19 dự án.

Quang cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đánh giá những thành công của chuyến thăm của Thủ tướng tới Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, qua chuyến thăm, quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước được thúc đẩy.

Các doanh nghiệp Việt Nam có được những thỏa thuận, ký kết về việc tiếp nhận những công nghệ hiện đại, các hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ; bên cạnh đó đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh sang Hoa Kỳ như dệt may, da giày, thủy hải sản...

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh Bộ Công thương cam kết sẽ nỗ lực tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, phát huy những thành quả, triển khai những cam kết, những hợp đồng được ký kết sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng tới Hoa Kỳ.

Tăng cường công tác quản lý các chất ma túy và tiền chất

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời câu hỏi của báo chí về công tác quản lý các chất ma túy và tiền chất, mà vừa qua phát hiện quan đường dây sản xuất ma túy tại Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, các tiền chất là cần thiết cho công tác y tế, khám chữa bệnh nhưng có tình trạng lợi dụng các chất này để sản xuất ma túy.

Qua đó cần phải thắt chặt việc nhập khẩu các tiền chất, nhưng quan trọng nhất là quản lý, trong đó ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành Công an trong quản lý việc sử dụng các tiền chất, cũng như điều tra ngay các tổ chức, cá nhân điều chế trái phép chất ma túy.

Chưa xem xét tăng giá điện

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời các câu hỏi của phóng viên.Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Về vấn đề xem xét phương án điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng điện không chỉ là mặt hàng mà còn có vai trò hết sức quan trọng, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, mặt hàng khác, ảnh hưởng đời sống của mọi người dân nên bất cứ sự thay đổi nào, đặc biệt vấn đề tăng giá thì phải xem xét, tính toán rất kỹ lưỡng.

Nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có đề xuất tăng giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài Chính, các bộ, ngành liên quan xem xét kỹ lưỡng những ảnh hưởng, cũng như cân đối GDP, nếu vượt thẩm quyền Bộ sẽ báo cáo lên Thủ tướng.

"Năm 2017, trước tình hình tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng đã có chỉ đạo trước mắt chưa xem xét tăng giá điện. Thời điểm này, Bộ Công Thương cũng chưa xem xét đề xuất tăng giá điện" - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh vận tải, taxi

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời báo chí về vấn đề cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Grab, Uber, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, Uber, Grab là loại hình vận tải mới, tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nghiên cứu, đánh giá để quản lý tốt hơn loại hình vận tải này.

Trong thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các hội thảo để đánh giá về loại hình vận tải mới này; đồng thời mong mốn các hãng taxi truyền thống nên tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. Hiện đã có gần 10 hãng đã thiết lập phần mềm để gọi xe và thanh toán điện tử cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã yêu cầu những hãng Uber, Grab phải thực hiện đúng những quy định về điều kiện kinh doanh về giao thông vận tải như các hãng taxi khác.

"Bộ đã yêu cầu những hãng taxi như Uber, Grab... thực hiện đúng các quyết định về kinh doanh vận tải như trong Nghị định 86 mà Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành. Đây là loại hình gọi xe bằng xe hợp đồng.

Chúng tôi yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ này thì chỉ được cung cấp dịch vụ này cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và có phù hiệu cũng như là các điều kiện ràng buộc khác.


Trên thực tế như vừa rồi, sau khi các loại hình này triển khai thì đã tiến hành giao cho thanh tra của các Sở Giao thông và Vận tải trên cả nước kiểm tra. Có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm, tức là không đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh.

Chúng tôi đã xử phạt và đồng thời thu hồi rất nhiều giấy phép kinh doanh, sau đó yêu cầu các doanh nghiệp cam kết không vi phạm. Đến nay, đối với Grab, Easy... đều có phù hiệu logo, còn riêng với Uber dùng hình thức xe hợp đồng thì chúng tôi yêu cầu doanh ngiệp phải đăng ký.

Ngoài đăng ký hoạt động, cung cấp phần mềm, nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải phải được các Sở Giao thông Vận tải các địa phương cấp giấy phép kinh doanh và đồng thời phải chịu các điều kiện quản lý giống như các doanh nghiệp vận tải của các hãng taxi khác", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Về quản lý nhà nước, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai đầy đủ các hình thức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải như Grab, Uber, trong sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ cũng đưa loại hình vận tải này vào quản lý, tạo môi trường kinh doanh công bằng.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ Bộ Giao thông Vận tải cũng như chỉ đạo các cơ quan có liên quan để giám sát, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các hãng taxi truyền thống với Uber, Grab.

Về đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời báo chí về đề xuất nâng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu do Quốc hội ban hành khung thuế, mức cụ thể do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Khung thuế hiện nay là từ 1.000 - 4.000 đồng/lít xăng dầu. Bộ Tài chính có dự kiến báo cáo Chính phủ, Quốc hội để tăng khung thuế.

Theo đại diện Bộ Tài chính, khi xem xét tăng khung thuế môi trường với xăng dầu, Bộ tính toán đến nhiều yếu tố tác động như tăng khung thuế môi trường với xăng dầu giúp tăng nguồn thu ngân sách trong bối cảnh thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về mức 0%.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu của Việt Nam hiện thấp nhất trong các nước có chung đường biên giới, qua đó góp phần quản lý xăng dầu, hạn chế buôn lậu. Ngoài ra còn xem xét về lợi ích của doanh nghiệp, của người dân và tác động đến lạm phát.

"Đây là những tác động mà chúng tôi cho rằng, khi quyết định về mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể phải tính toán đầy đủ các yếu tố đó, để các cấp có thẩm quyền xem mức thuế cụ thể", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết.

Xuân Tùng (TTXVN)
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng đạt kết quả toàn diện, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam
Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng đạt kết quả toàn diện, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam

Sáng sớm 2/6 theo giờ Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã trả lời phỏng vấn phóng viên tháp tùng Đoàn về kết quả chuyến thăm. TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN