Số vaccine Bộ Y tế cấp cho tỉnh trong đợt này là 16.050 liều. Để công tác tiêm phòng đúng theo kế hoạch, đạt hiệu quả cao, Sở Y tế Tây Ninh phân công cho từng đơn vị trong ngành phụ trách tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu, tiêm đồng loạt cho từng nhóm đối tượng theo thứ tự tại cùng một thời điểm tiêm.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh phụ trách tiêm cho các nhân viên y tế đã tiêm lần 1 của bệnh viện; các cán bộ thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh; Ban chấp hành, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm giám định pháp y, giám định y khoa.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh phụ trách tiêm cho nhân viên y tế tại Trung tâm; các cán bộ, nhân viên thuộc Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện phục hồi chức năng, Bệnh viện lao và bệnh phổi.
Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố phụ trách tiêm cho nhân viên y tế tại đơn vị, nhân viên y tế tại các phòng khám dịch vụ tư nhân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; các cán bộ thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, cán bộ tham gia phòng chống dịch các huyện…
Riêng lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng do lực lượng y tế của ngành tiêm.
* Chiều 6/5, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã hoàn thành tiêm vaccine đợt 1 cho gần 11.000 người, đạt trên 83% số người được tiêm phòng. Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã báo cáo nhanh về một trường hợp F1 tại huyện Ngọc Hồi là N.H.Đ, nam, dân tộc Kinh, sinh năm 1977, được cách ly tập trung tại tỉnh Gia Lai. Ngành Y tế Kon Tum đã truy vết và giám sát 15 ca F2; 53 F3 của F1 này.
Trường hợp F1 này tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 số 2989 (đi cùng chuyến bay QH 2166, từ Cần Thơ ra Đà Nẵng). Sau khi ra Đà Nẵng, anh N.H.Đ bắt xe từ Đà Nẵng (không nhớ xe) về huyện Ngọc Hồi rồi tiếp tục di chuyển đến nhiều địa điểm tại huyện Ngọc Hồi và huyện Đăk Tô. Như vậy, đến tối 6/5, tỉnh Kon Tum đã ghi nhận có hai ca F1; xác định, tiến hành cách ly, giám sát 21 trường hợp F2 và hàng chục trường hợp F3 khác.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 6/5, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã có Công văn số 1017/BCH-TM về việc đề xuất chủ trương thành lập các chốt chặn, tuần tra đối với người nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh nhằm phòng, chống dịch COVID-19 ở tuyến hai (khu vực tiếp giáp vành đai biên giới). Theo đó, tại ba huyện biên giới là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Ia H’Drai thành lập mỗi huyện 4 chốt; riêng huyện biên giới Sa Thầy thành lập 3 chốt, mỗi chốt 10 đồng chí, do Ban Chỉ huy quân sự địa phương chủ trì. Đồng thời, đề nghị thành lập 5 điểm cách ly tập trung cấp tỉnh; 10 điểm cấp huyện, thành phố và 1 Bệnh viện dã chiến.
Đề xuất này dựa trên tình hình thực tế khi tỉnh Kon Tum có đường biên giới dài. Trong khi đó, nạn vượt biên trái phép diễn ra phức tạp. Từ 29/4-5/5, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã phát hiện, bắt giữ và đưa đi cách ly tập trung 2 trường hợp vượt biên trái phép về Việt Nam.