Nhiều 'dấu ấn' trong phòng chống thiên tai năm 2017

Năm 2017 để lại nhiều "dấu ấn" khó quên trong công tác phòng chống thiên tai với sự xuất hiện của 16 cơn bão và 6 áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5 cơn bão (số 2, 4, 10, 12, 14) và 3 cơn áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào nước ta.

Đặc biệt nghiêm trọng là hai cơn bão số 10 và số 12 cường độ rất mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14 (Rủi ro thiên tai cấp độ 4) đã ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Đây là những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào khu vực trong vòng nhiều năm và đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, sản xuất và cơ sở hạ tầng, để lại các hậu quả rất nặng nề tại nhiều địa phương.

Bão số 12 kèm mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Do công tác phòng, chống thiên tai được triển khai quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cùng sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nên nhân dân các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đã sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất.

Hoàn thiện bộ máy, quyết liệt trong chỉ đạo và ứng phó


Theo ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã quán triệt và tăng cường chỉ đạo hoạt động phòng chống thiên tai theo quan điểm chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2016, triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2017 và chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Chính phủ đã Quyết định thành lập Tổng cục Phòng, chống thiên tai - cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai ở cấp Trung ương (đi vào hoạt động từ ngày 18/8/2017) kiêm thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai, thực thi Luật Phòng, chống thiên tai. Các địa phương huy động các nguồn lực, triển khai đề án nâng cao nhận thức cộng đồng giảm thiểu rủi ro thiên tai (đề án 1002), đẩy mạnh xây dựng cộng đồng an toàn gắn với thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Hoạt động truyền thông trong phòng chống thiên tai được tăng cường và đổi mới; việc rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai ở các cấp được chú trọng.

Việc phối hợp giữa cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức xã hội như Trung ương Hội Phụ nữ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được tăng cường.

Đồng thời, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như: “Đánh giá nhanh nơi ở an toàn”, “Phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học trong mùa mưa lũ”, đánh giá hiệu quả hoạt động và sửa đổi quy chế tổ chức, hoạt động của các đội Ứng phó thiên tai, thảm họa các cấp của Hội Chữ thập đỏ, nâng cao hiệu quả hoạt động trong phòng chống thiên tai của lực lượng dân quân tự vệ tại cơ sở; biên soạn, chỉnh biên các tài liệu hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai cho học sinh tiểu học và đồng bao dân tộc thiểu số...

Các chương trình tổng thể phòng chống thiên tai cho các khu vực: Miền Trung - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc đã được triển khai, trước mắt là dự án tổng thể di dời dân cư khẩn cấp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống các công trình phòng, chống thiên tai như đê điều; hồ đập; các khu neo đậu tàu thuyền; công trình thủy lợi nội đồng; hỗ trợ xây dựng nhà tránh lũ các tỉnh miền Trung.

Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đặc biệt là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã tăng cường thời lượng phát tin, sóng; cải tiến phương pháp, nâng cao chất lượng các bản tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người dân.

Công tác ứng phó thiên tai năm 2017, đặc biệt là những tháng cuối năm đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, đổi mới và sáng tạo, huy động các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị vào cuộc, ứng phó hiệu quả với các đợt thiên tai lớn, phức tạp, giảm thiểu đến mức thấp thiệt hại về người và tài sản.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, sát sao chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai, trực tiếp đến các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó khắc phục hậu quả các đợt thiên tai gây hậu qua nghiêm trọng như lũ quét, sạt lở đất tại Yên Bái, Sơn La vào đầu tháng 8, các cơn bão số 10, 12 tại các tỉnh Trung Bộ, mưa lũ lớn đầu tháng 11 tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi…

Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành kịp thời nhiều công điện; tổ chức các hội nghị, họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó với thiên tai.

Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hủy chương trình công tác tại các tỉnh Đông Nam Bộ, từ Thành phố Hồ Chí Minh bay trở ra Đà Nẵng và di chuyển liên tục 300 km đường bộ tới khu vực Bắc Trung bộ để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10.

Bất kể ngày đêm, Thủ tướng đã có mặt và thị sát các điểm thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất để chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát tình hình ngập lụt tại Chùa Cầu và một số tuyến phố cổ; thăm hỏi, động viên và tặng quà người dân có nhà bị ngập.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có nhiều chuyến đi vượt mưa bão, đến tận vùng “rốn lũ” để chỉ đạo, động viên nhân dân vùng ảnh hưởng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Công tác tham mưu của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo có nhiều cải tiến và đổi mới, mang lại hiệu quả tích cực như tăng cường tham khảo thông tin từ các cơ quan dự báo quốc tế; tính toán vận hành bậc thang thủy điện Hòa Bình khi có lũ lớn trái mùa, chỉ đạo điều hành xả lũ hợp lý, khoa học, góp phần đảm bảo an toàn công trình và giảm lũ cho hạ du.

Từ tháng 8/2017, hình thức nhắn tin từ các nhà mạng đã được thực hiện tới 12 lượt triệu thuê bao trong khu vực có nguy cơ cao trước các đợt thiên tai lớn, giúp người dân chủ động phòng, tránh.

Công tác dự báo, cảnh báo từng bước được cải thiện, sát với diễn biến thời tiết, đặc biệt là một số đợt thiên tai lớn, như bão và mưa hoàn lưu bão số 10, bão số 12; ra các bản tin nhận định sớm về các hình thái thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ lớn…

Những hạn chế cần khắc phục


Theo đánh giá của thường trục Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, dù đã có rất nhiều nỗ lực từ các cấp, các ngành, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm vẫn còn lớn cả về người và tài sản. Năm 2017 có 386 người chết và mất tích tăng 122 người so với 2016 và 86 người so với trung bình 10 năm gần đây.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên giúp ngư dân thị xã Sông Cầu cứu hộ các tàu bị chìm do bão số 12. Ảnh: Thế Lập/TTXVN

Đặc biệt, thiệt hại trên biển do bão số 12 là rất lớn. Tổng thiệt hai năm 2017 là 60.000 tỷ đồng đồng, tăng 30% so với 2016, gấp 2,5 lần so với trung bình 10 năm đây.

Công tác đảm bảo an toàn cho tàu hàng, tàu vận tải biển bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây thiệt hại lớn về người và tài sản (1 tầu chìm, 9 thủy thủ bị chết, mất tích trong bão số 10; 10 tàu chìm và 13 thủy thủ bị chết, mất tích trong bão số12).

Công tác phòng, chống thiên tai ở một số địa phương còn bị động, chưa kịp thời và thiếu quyết liệt, nhận thức về rủi ro thiên tai ở một số bộ phận cán bộ, người dân hạn chế, còn tư tưởng chủ quan trong phòng, chống thiên tai dẫn đến hậu quả và thiệt hại còn lớn.

Nguyên nhân của những thiệt hại trên là do năm 2017 xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhiều đợt thiên tai lớn ở mức lịch sử, mang tính dị thường, trái quy luật khó dự báo, cảnh báo. Năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế, bất cập.

Bên cạnh đó, nhận thức về công tác phòng chống thiên tai của người dân, cộng đồng và chính quyền một số địa phương còn hạn chế dẫn đến thiếu sự quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến công tác phòng chống thiên tai, khi tình huống xảy ra còn lúng túng, bị động gây thiệt hại lớn.

Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai và phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai ở nhiều địa phương còn chậm, chất lượng, tính khả thi còn hạn chế. Việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án ở các bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Năng lực của hệ thống chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Cụ thể, chưa có hệ thống đồng bộ về chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương, lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống thiên tai còn mỏng và chưa được đào tạo bài bản, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị và hệ thống cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ ra quyết định chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai các cấp còn lạc hậu, thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Năng lực chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng, nhà dân còn hạn chế, nhất là vùng thiên tai ít xảy ra; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức; lực lượng dân sự trong ứng phó thiên tai đặc biệt là ứng phó tại cơ sở ngay từ khi có tình huống xảy ra còn hết sức hạn chế cả về tổ chức và hoạt động, chưa có lực lượng ứng phó dân sự chuyên nghiệp ở cấp Trung ương như hầu hết các quốc gia khác.

Nguồn tài chính cho phòng chống thiên tai chủ yếu dự vào ngân sách, chưa đáp ứng được yêu cầu; việc triển khai quỹ phòng chống thiên tai ở các địa phương còn chậm và gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên chưa phát huy tốt hiệu quả; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động phòng chống thiên tai, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân.

Không có quỹ ở cấp Trung ương nên việc đầu tư cho công tác ứng phó khẩn cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra các tình huống thiên tai chưa kịp thời, hiệu quả. Chưa có quy trình riêng cho công tác tiếp nhận và triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt là tiếp nhận, phân bổ hàng hóa viện trợ của quốc tế nên còn gặp nhiều vướng mắc và không đảm bảo tính kịp thời.

Công tác dự báo, cảnh báo, thông tin truyền thông đã có nhiều cố gắng xong yêu cầu của thực tiễn đặt ra vẫn còn khoảng cách lớn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai đã được được quan tâm song mới ở bước đầu, việc phát huy hiệu quả trong điều hành ứng phó còn rất hạn chế.

Chế tài trong hoạt động phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa có sức răn đe nên việc thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai chưa nghiêm và hiệu quả, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong hệ thống tổ chức phòng, chống thiên tai, các cấp chính quyền, các tổ chức... còn hạn chế.

Thắng Trung (TTXVN)
Thanh Hóa phân bổ gần 150 tỷ đồng khắc phục thiệt hại sau mưa lũ
Thanh Hóa phân bổ gần 150 tỷ đồng khắc phục thiệt hại sau mưa lũ

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4798/QĐ-UBND về việc phê duyệt phân bổ kinh phí gần 150 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ ngày 9 - 12/10/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN