Theo đó, nguồn kinh phí được lấy từ nguồn Trung ương tạm cấp để hỗ trợ cho tỉnh khôi phục sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa của Bộ Tài chính hỗ trợ 127 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh là hơn 19,1 tỷ đồng. Kinh phí được cấp đợt này khoảng 70% nhu cầu kinh phí của các huyện, thị, thành phố đề nghị.
Người dân Thạch Định, huyện Thạch Thành, di chuyển bằng thuyền những ngày lũ về. |
Trong đó, phân bổ hết số kinh phí đã được Bộ Tài chính hỗ trợ và kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh 2017, còn lại 30% kinh phí các huyện, thị, thành phố chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại.
UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục nghiệp vụ thông báo cụ thể mức hỗ trợ cho các địa phương theo hình thức bổ sung có mục tiêu và mục tiêu đầu tư cho các địa phương để thực hiện. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, tổng hợp quyết toán từ các địa phương đơn vị báo cáo UBND tỉnh để Bộ Tài chính bổ sung kinh phí theo quy định hiện hành.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ thực tế phát sinh, quyết định hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại trên địa bàn quản lý, chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách tỉnh đã cấp để hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại, đảm bảo đúng quy định hiện hành. Các địa phương, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nhằm ổn định lại đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Các địa phương, đơn vị được hỗ trợ quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, nội dung, hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định…
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 4243/QĐ-UBND phê duyệt hỗ trợ kinh phí 55 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ 3 tỷ đồng/huyện đối với các huyện: Quan Sơn, Thường Xuân, Hà Trung, Nông Cống, Yên Định, Bá Thước, Thọ Xuân, Thạch Thành.
Hỗ trợ 2 tỷ đồng/huyện đối với các huyện: Tĩnh Gia, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Như Xuân, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa và hỗ trợ 1 tỷ đồng/huyện đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại. Ngoài ra, một số đơn vị khác chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng sau mưa lũ cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ như: Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Chu 2 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Sông Mã và Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Sông Mã được hỗ trợ 1 tỷ đồng mỗi công ty.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đợt mưa lũ vừa qua, Thanh Hóa đã có 16 người chết, 5 người mất tích, 5 người bị thương; 55 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 172 nhà bị thiệt hại một phần, 28.146 ngôi nhà bị ngập, 144 ngôi nhà bị ảnh hưởng sạt lở đất. Hệ thống đê xung yếu, đê cấp III, đê cấp IV của Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nề; hàng chục nghìn ha hoa màu, cây vụ đông bị thiệt hại; 6.455 con gia súc, 210.355 con gia cầm... bị cuốn trôi; 6.055 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập... Tổng giá trị thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.700 tỷ đồng…