Như vậy, Thanh Hóa đứng thứ hai sau Nghệ An trong số 21 tỉnh, thành phố có chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 9 tháng vượt quỹ năm 2017 trên 100 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Thanh Sinh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân là do tác động của việc thông tuyến chuyên môn kỹ thuật từ đầu năm 2016, gia tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37, nhiều cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lựa chọn thuốc giá cao, vật tư y tế giá cao dẫn đến chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017, các bệnh viện công lập và phòng khám công lập được tính thêm mức giá bao gồm cơ cấu tiền lương (khoảng 17%), dẫn đến chi phí đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế 9 tháng năm 2017 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Một nguyên nhân nữa dẫn tới việc bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là do mức thu bình quân chung/thẻ bảo hiểm y tế của tỉnh thấp hơn so với mức thu trung bình toàn quốc.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện Thông tư số 37 có tình trạng chia tách dịch vụ kỹ thuật để thanh toán hoặc thanh toán không đúng dịch vụ kỹ thuật. Một số cơ sở y tế có biểu hiện thu dung bệnh nhân vào điều trị nội trú chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết. Cụ thể, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa mổ phaco nằm nội trú bình quân 7,1 ngày (trong khi toàn quốc chỉ là 1,7 ngày). Bệnh viện Y học cổ truyền Thanh Hóa bình quân nội trú 24,9 ngày (bình quân toàn quốc chỉ 16 ngày).
Nhiều cơ sở y tế chỉ định thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cao hơn rất nhiều lần so với bình quân chung của cả nước (chi phí xét nghiệm bình quân chung của cả nước là 11,7%, của Thanh Hóa là 13,8%), trong đó, một số bệnh viện đã có chi phí chỉ định rất cao như: Bệnh viện Đa khoa thị xã Bỉm Sơn 32,4%, Bệnh viện Đa khoa Lang Chánh 20%, Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa 22%, Bệnh viện Đa khoa Mường Lát 22,5%... Phổ biến nhất là tình trạng áp giá dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế, giá ngày giường sai, tăng đột biến số người vào điều trị nội trú trong khi cơ cấu bệnh tật không có biến động, không có thông báo dịch bệnh trên địa bàn.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan gây vượt quỹ, đó là việc xây dựng kế hoạch đấu thầu vật tư y tế, vật tư y tế thay thế chưa hợp lý, không phù hợp với điều kiện nguồn Quỹ bảo hiểm y tế của tỉnh. Nhiều loại vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế đấu thầu tại Thanh Hóa cao hơn nhiều so với các tỉnh khác. Công tác tư vấn, sàng lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế chưa tốt dẫn đến đưa vào điều trị nội trú những bệnh nhân chưa đến mức phải nằm viện; nhiều cơ sở y tế kê thêm giường vượt định mức quá cao...
Hiện nay, nhiều vướng mắc trong thực hiện thanh quyết toán bảo hiểm y tế giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa với các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn. Mặc dù các ngành chức năng ở Thanh Hóa đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện việc khám phân loại bệnh tật, hạn chế chỉ định quá mức cần thiết các loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm...nhưng việc khắc phục tình trạng bội chi, lãng phí, kém hiệu quả trong việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vẫn chưa thực sự chuyển biến tích cực.
Ba năm trở lại đây, tại Thanh Hóa, số tiền vượt quỹ sau khi cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đánh giá là tăng mạnh qua các năm. Cụ thể năm 2015, Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế âm 299,6 tỷ đồng; năm 2016 âm 854,2 tỷ đồng; 6 tháng năm 2017, âm 547,3 tỷ đồng và dự báo cân đối quỹ 9 tháng năm 2017 âm quỹ 910,9 tỷ đồng.
Bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho công tác cấp ứng kinh phí và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế trong thời gian tiếp theo.