Nhà báo George Alan Baumgarten cho biết: "Tôi rất mong đợi Việt Nam sẽ trở lại là thành viên HĐBA sau kỳ bầu cử sắp tới. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ nhiệm kỳ lần trước khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực của HĐBA từ cách đây hơn chục năm, lúc đó ông Lê Lương Minh là đại sứ.
Tôi cho rằng nếu HĐBA có Việt Nam là thành viên sẽ là một điều rất đáng quý bởi chắc chắn Việt Nam có thể đóng góp nhiều ý kiến, sáng kiến từ góc độ của mình đối với các vấn đề nóng, mới nổi mà HĐBA phải giải quyết, đặc biệt là những vấn đề quan trọng mà gần như tháng nào HĐBA cũng phải đưa ra bàn nghị sự như tình hình bạo lực ở châu Phi, đặc biệt là ở các nước Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Mali, Cộng hòa Congo; rồi những vấn đề hiện khu vực Trung Đông đang phải đối mặt, cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Israel và Palestine, và gần đây nhất là sự gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ, chưa kể đến những diễn biến rất đáng quan ngại về chiến sự kéo dài ở Syria và Yemen”.
Việt Nam lần đầu tiên tham gia đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và đã có nhiều đóng góp thực chất, tích cực, để lại dấu ấn, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công các cuộc họp và sự kiện quốc tế lớn trong thời gian vừa qua đã góp phần nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong các mối quan hệ đa phương.
Xuất phát từ mong muốn trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam tiếp tục ứng cử làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục đóng góp lớn hơn vào hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Tất cả các nước thành viên LHQ đồng ý chấp nhận và thực thi các quyết định của HĐBA.
Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.
HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu. 10 ghế không thường trực HĐBA được phân theo khu vực địa lý.