Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang và đại biểu xem bảng ghi danh các liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ. Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN
Từ phóng viên chiến trường đến người chỉ huy trận đánh cuối cùng
Nhà báo Phan Hoài Nam sinh ngày 9/10/1940 tại xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (cũ) trong một gia đình có năm anh chị em. Cha ông là nhà thơ nổi tiếng Xuân Tâm - một trong những gương mặt nổi bật của phong trào Thơ mới. Cuối năm 1954, Phan Hoài Nam theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở trường học sinh miền Nam.
Thông minh, học giỏi, Phan Hoài Nam được cử đi học báo chí tại Liên Xô. Sau khi về nước, ông học tiếp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đầu năm 1966 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, nhà báo Phan Hoài Nam tình nguyện vào chiến trường miền Nam, trở thành phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).
Từ đó, cuộc đời ông gắn liền với những trang viết nơi tuyến lửa. Ông có mối tình sâu đậm với một bác sĩ từng là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, công tác tại chiến trường Đông Nam Bộ. Hai người dự định sẽ tổ chức đám cưới nhưng ngày ấy đã không bao giờ đến...
Bà Trần Tố Nga, cựu phóng viên chiến trường của TTXGP, là nhân chứng trong vụ kiện chất độc da cam gây tiếng vang quốc tế cho biết, bà với nhà báo Phan Hoài Nam có mối quan hệ vô cùng thân tình. “Chúng tôi học cùng nhau tại trường học sinh miền Nam tới lớp 8, cùng với nhà thơ Lê Anh Xuân, khoảng năm 1957-1958, sau đó mỗi người một nơi. Tôi vào TTXGP tháng 6/1966, anh Nam vào sau tôi khoảng một tháng. Chúng tôi là bạn học cũ, lại cùng làm trong một cơ quan nên rất thân thiết. Anh Nam lúc ấy đã là một phóng viên, biên tập viên thực thụ, có chuyên môn, năng lực, còn tôi, do không học báo chí nên ban đầu làm nhân viên phòng tư liệu. Công việc hàng ngày đơn giản là chép lại các đề mục tin, bài”, bà Nga nhớ lại.
Tháng 9/1967, trong lần được cử đi dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam lần thứ hai, một đoàn cán bộ văn hóa gồm nhiều văn nghệ sĩ, phóng viên nổi tiếng như: nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà báo Thép Mới, phóng viên ảnh Đinh Thúy, nhà báo Phan Hoài Nam... bị máy bay địch phát hiện, ném bom khi đang trên đường trở về căn cứ.
Bà Trần Tố Nga kể: “Hai chiếc khu trục quần sát ngọn cây, mọi người lo lắng không biết đường nào mà tránh. Bất ngờ một trái bom bi rơi xuống, nổ tung, cả đoàn chạy về phía rừng, cứ bom nổ thì nằm xuống, rồi chạy miết. Tôi may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng bác Đinh Thúy và anh Nguyễn Đình Cước hy sinh. Sau khi trực tiếp chôn cất đồng đội bằng chính đôi tay mình vì không có cuốc, xẻng, tôi và anh Nam cùng nhiều người khác trong đoàn chia nhau mang hành trang của những nguời hy sinh, cáng các đồng chí bị thương, đi suốt đêm”.
Trong ký ức của bà Trần Tố Nga, người bạn học, đồng nghiệp, nhà báo Phan Hoài Nam không chỉ là một phóng viên giỏi, bản lĩnh mà còn là một con người tình cảm, luôn nghĩ cho người khác trước tiên. “Có lần, đang đi giữa rừng, tôi và anh Nam bị máy bay địch bắn rát phía sau. Anh Nam che cho tôi và nói: Nếu có chết thì để mình chết tốt hơn”, bà Nga xúc động kể lại. Nhà báo Phan Hoài Nam cũng đã giúp bà tập viết những bài báo đầu tiên gửi về Tổng xã.
Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, TTXGP cử nhiều phóng viên ra chiến trường tác nghiệp, trong đó có nhà báo Phan Hoài Nam. Trước khi lên đường, ông cũng như nhiều người bạn khác, đã gửi lại cho bà một thùng đạn đại liên, bên trong cất giữ toàn bộ vật dụng cá nhân. Nhà báo Phan Hoài Nam được phân công về mặt trận Cần Giuộc, Long An. Sau đợt Tổng tấn công đợt một, mọi người rút về đơn vị, riêng nhà báo Phan Hoài Nam tình nguyện ở lại tham gia đợt hai.
Lần này, ông không tác nghiệp báo chí mà chiến đấu trong một đơn vị du kích địa phương. Ông được giao nhiệm vụ trung đội trưởng, trực tiếp chỉ huy trận đánh giáp lá cà với lính Mỹ – trận đánh cuối cùng trong cuộc đời ông. Một bài báo sau này mô tả lại tinh thần chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Phan Hoài Nam: Khi mọi người trong đơn vị lo lắng, chính Phan Hoài Nam là người động viên toàn đội giữ vững tinh thần chiến đấu đến cùng, dù biết có thể sẽ hy sinh.
Bà Phan Thị Mỹ Liên kể lại rằng, mãi một thời gian sau gia đình mới biết tin anh trai bà hi sinh. Người đầu tiên nhận được tin buồn là cha bà, nhà thơ Xuân Tâm. Nỗi đau quá lớn khiến ông chọn cách giấu kín sự thật với vợ bởi khi ấy bà đang bị bệnh tim. Mất mát này có thể vượt quá sức chịu đựng của bà. “Là người gần gũi với anh Nam nhất nên ba tôi vô cùng đau đớn khi hay tin anh hy sinh. Dù hiểu rằng đó là mất mát không riêng ai trong thời chiến, nhưng với mỗi gia đình, thật không dễ quên đi những người thân yêu của mình.
Mỗi ngày tan sở, ông đạp xe lang thang trên đường phố Hà Nội hàng tiếng đồng hồ mới trở về nhà. Sau này, ông bị mất ngủ, đau ốm nhiều”, bà Mỹ Liên xúc động kể lại. Trong một bài thơ dành tặng con, nhà thơ Xuân Tâm đã viết những dòng chan chứa yêu thương: “Thư bạn báo con hi sinh/Giữa những ngày chống Mỹ/Cha không tin/Nhưng từ ngày ấy/Con chưa về lại/Nhớ con/Cha chỉ thấy một mình”. Theo thời gian, thông tin về sự hi sinh của liệt sĩ Phan Hoài Nam mới dần được công bố trong gia đình, khi mọi người đủ bình tâm đối diện với mất mát.
Mãi đến năm 1994, phần mộ của liệt sĩ Phan Hoài Nam mới được tìm thấy tại một nghĩa trang liệt sĩ ở Long An. Nhờ sự tận tình của bà Trần Tố Nga cùng với hướng dẫn của một chuyên gia tìm mộ liệt sĩ, gia đình xác định được vị trí và đưa hài cốt ông về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.
Ký ức về hai người anh hi sinh trong kháng chiến
Trong căn nhà nhỏ trên phố Trần Quốc Toản (Hà Nội), ông Nguyễn Đức Đông lặng lẽ kể lại những ký ức không thể nào quên về hai người anh trai của mình: liệt sĩ Nguyễn Đức Yên và liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh - đều từng công tác tại TTXVN và đã anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Người anh cả là liệt sĩ Nguyễn Đức Yên từng là công nhân ảnh tại Phân xã Nhiếp ảnh, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX nay là TTXVN) trụ sở đặt tại số 18 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khoảng năm 1963, ông nhập ngũ, lên đường vào chiến trường miền Nam. Đến năm 1969, gia đình nhận được tin báo ông đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, gia đình mới vào Nam lần theo manh mối đi tìm phần mộ. Nhờ những lá thư còn giữ được và sự giúp đỡ của người dân địa phương, gia đình đến khu vực thôn 7, xã Phước Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam (cũ), nơi một người dân từng trực tiếp chôn cất liệt sĩ Nguyễn Đức Yên tại bìa rừng sau một trận giao tranh ác liệt. Năm 1996, sau hơn hai thập kỷ tìm kiếm, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Đức Yên đã được đưa về an táng tại Hà Nội.
Em trai liệt sĩ Nguyễn Đức Yên là liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh sinh năm 1945. Theo lời kể của ông Nguyễn Đức Đông, vào khoảng năm 1965-1966, ông Nguyễn Đức Thanh bắt đầu công tác tại Phân xã Nhiếp ảnh, VNTTX. Là người chăm chỉ, cẩn thận, ngoài nhiệm vụ chuyên môn về ảnh, ông còn được giao phụ trách nhóm thiếu nhi là con em cán bộ cơ quan sơ tán tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc (cũ).
Cuối năm 1965, ông Nguyễn Đức Thanh làm việc tại T6B - nơi sơ tán của VNTTX trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tại xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội (cũ). Đầu năm 1968 sau Tết Mậu Thân, ông được điều động vào nhận công tác tại TTXGP khu V.
Ông Nguyễn Đức Đông bồi hồi xúc động nhắc lại ký ức ngày tiễn anh trai lên đường. Hôm đó, ông cùng cha ra tận địa điểm xuất phát nằm trên đường Quán Thánh. Trước mắt họ là một đoàn xe commăngca chở cán bộ vào chiến trường, ai nấy đều khoác ba lô, đội mũ tai bèo, gương mặt rạng ngời niềm tin chiến thắng.
Trong khoảnh khắc chia tay, ông Thanh ôm chặt cha và em trai, đưa cho em vài chiếc bánh lương khô được phát theo tiểu chuẩn trước lúc lên đường. Không ngờ, đó là lần cuối cùng hai anh em gặp nhau. Khoảng hai tháng sau, ngày 8/5/1968, gia đình nhận được giấy báo tử: ông Nguyễn Đức Thanh đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Trong ký ức ông Nguyễn Đức Đông, liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh là người hiền lành, trách nhiệm, hết lòng yêu thương các em. Ông không thể nào quên hình ảnh người anh trai nhỏ bé từng đạp xe gần chục cây số từ nơi sơ tán T6B về thăm em đang học phổ thông ở Sơn Đồng, Hoài Đức; mang theo lọ tương cà chưng, túi lạc rang hay muối vừng; ân cần dặn em ráng học thật giỏi để sau này giúp ích cho đất nước.
Trên đường vào Nam làm nhiệm vụ, ông Nguyễn Đức Thanh đã gửi về gia đình một bức thư. Trong thư, ông miêu tả hành trình hành quân gian khổ suốt nửa tháng trời, băng qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát, những con suối, khe sâu, cầu phà, đèo dốc,… Trên đầu là máy bay và pháo sáng địch quần thảo, dưới mặt đất là tiếng pháo của ta đáp trả dữ dội.
Trong khung cảnh chiến tranh khốc liệt ấy, người lính trẻ vẫn cảm nhận được vẻ đẹp kỳ vĩ của non sông đất nước, một vẻ đẹp mà ông viết trong bức thư là không ngòi bút nào có thể diễn tả trọn vẹn. Bức thư mộc mạc, chân tình, chan chứa tình yêu quê hương và nỗi nhớ thương người thân của liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh trở thành kỉ vật vô giá mà sau này gia đình đã trao tặng lại cho Phòng Truyền thống của TTXVN.
Câu chuyện tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh kéo dài nhiều năm do địa điểm, hoàn cảnh hi sinh không được ghi rõ. Sau này, gia đình nhờ chuyên gia và được chỉ dẫn đến Nghĩa trang Nầm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (cũ). Tại đây, vị trí ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Đức Thanh được xác định nằm cạnh một khu mộ tập thể vô danh.
Việc tìm kiếm hài cốt của hai người anh trai đã hi sinh trong kháng chiến là nỗi trăn trở suốt nhiều năm của gia đình ông Nguyễn Đức Đông, cuối cùng cũng đã toại nguyện. Với họ, chỉ khi đưa được các anh trở về nhà, nỗi đau mới phần nào được xoa dịu. Đó không chỉ là tâm nguyện của người sống, mà còn để tri ân những người đã ngã xuống - những liệt sĩ đã hiến dâng cả tuổi trẻ và sinh mệnh cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp Thông tấn.