Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Berlin, Giáo sư Nguyễn Văn Thoại, Đại học Tổng hợp Trier (bang Rheinland-Pfalz) nhớ lại đầu những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do bị bao vây, cấm vận. Tuy nhiên, chính sách đổi mới do Đảng khởi xướng từ năm 1986 và liên tục được phát triển, hoàn thiện cho tới ngày nay đã thực sự đưa Việt Nam từ một nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thành một quốc gia thu hút sự chú ý trên thế giới.
Theo Giáo sư Thoại, về mặt kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức to lớn khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện đạt trên 250 tỷ USD, kinh tế tư nhân đóng góp một phần đáng kể trong sự phát triển của đất nước.
Giáo sư Thoại nhấn mạnh năm qua, Việt Nam nổi bật trên thế giới là quốc gia vừa kiểm soát tốt được đại dịch COVID-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, rất đáng để học tập. Truyền thông phương Tây rất quan tâm và đã đưa nhiều thông tin về thành tựu rất đáng tự hào này của Việt Nam.
Về đối ngoại, Việt Nam đã ở một tầm cao mới, hiện có vai trò rất quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như trong Liên hợp quốc, những đóng góp và sáng kiến của Việt Nam luôn được quan tâm và hoan nghênh. Bên cạnh việc thiết lập được quan hệ đa phương với tất cả các nước, nhất là các nước lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam cũng đã gửi lực lượng hòa bình tham gia các sứ mệnh trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Văn Thoại cho rằng đó là những thành tựu nổi bật không những được quốc tế công nhận mà bà con Việt kiều và lực lượng trí thức ở nước ngoài cũng rất vui mừng và nhận thấy rõ.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hồng Cường- Chủ tịch Hội Tân Trào tại Đức - bày tỏ tự hào về sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước trong quá trình xuyên suốt, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều chính sách đúng đắn trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc, nhất là bảo vệ hải đảo, biên giới cũng như phát triển kinh tế song song với chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả. Với những chính sách đúng đắn, đời sống nhân dân đã không ngừng được cải thiện, ổn định, trong khi đất nước ngày càng có vị thế và uy tín trong khu vực cũng như trên thế giới.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc bảo vệ tổ quốc với những đường lối sáng suốt về ngoại giao, quân sự; luôn nắm bắt được tình hình để kịp thời đề ra những đường hướng đúng đắn lãnh đạo đất nước.
Ông cho biết bà con kiều bào sống ở nước ngoài luôn quan tâm và dõi theo những thành quả về chính trị, kinh tế và xã hội trong nước; ghi nhận sự đổi thay của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và bày tỏ kỳ vọng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế đổi mới sáng tạo Đức-Việt, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, kỳ vọng vào thành công của Đại hội trên cơ sở các nội dung văn kiện được chuẩn bị hết sức công phu, phù hợp với các chiến lược của Đảng và hội tụ ý kiến của nhân dân. Ông đánh giá cao các chiến lược phát triển đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước trong những năm tới với những chiến lược đúng đắn này.
Giáo sư Nguyễn Văn Thoại và Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh đều cho rằng song song với phát triển kinh tế cũng cần tiếp tục chú ý bảo vệ và cải thiện môi trường sống, đảm bảo sức khỏe nhân dân, cần có những chính sách để thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tầng lớp người giàu và người nghèo...
Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội sâu rộng dựa vào nội lực, kết hợp với hợp tác quốc tế, trong đó có lực lượng trí thức ở nước ngoài; chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo hơn nữa, hướng tới sản xuất ngay ở trong nước để có thể hội nhập chuỗi giá trị của thế giới, giúp phát triển bền vững; áp dụng khoa học kỹ thuật vào ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh năng lượng.
Cùng với đó là mong muốn Đảng, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt, gốc Việt trên toàn thế giới, trong đó có Đức, bởi đây chính là những cầu nối quan trọng để hợp tác khoa học công nghệ không những đóng góp vào sự phát triển công nghệ và kinh tế của đất nước, mà còn hỗ trợ hiệu quả cho quan hệ đối ngoại thực chất giữa Việt Nam với thế giới nói chung và nước Đức nói riêng.
Tình cảm và sự quan tâm của kiều bào, trí thức người Việt ở Đức hướng về Đảng, về đất nước cũng được thể hiện rất rõ khi Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cộng đồng người Việt đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII. Đông đảo đại diện các hội đoàn, các nhân sỹ, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại Đức cùng đại diện các chi bộ thuộc Đảng bộ tại Đức đã tham gia và có nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi, tích cực.
Bà con mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách thuận lợi hơn nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích bà con có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương, cũng như quan tâm hỗ trợ kiều bào trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.