Giữa tiết trời thu Hà Nội, người dân lại nhớ về những giây phút lịch sử trọng đại của dân tộc, khi mà đoàn quân chiến thắng từ 4 cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô (ngày 10/10/1954). Một rừng cờ hoa với hàng vạn, hàng vạn người Hà Nội đổ ra đường vẫy chào đón mừng bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô sau 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ.
Không gì tả nổi sự sung sướng, hân hoan, nhiều người đã bật khóc. Những bó hoa tươi thắm từ tay các thiếu nữ Hà Nội trong trang phục áo dài thướt tha thi nhau tung lên xe ô tô, các anh bộ đội dang tay đón nhận. Hòa cùng dòng người ngày đó, có một nhạc sĩ ôm cây đàn ghita dẫn đầu đoàn đồng ca gồm 200 người cùng cất tiếng hát vang: “Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô”. Bài hát “Hà Nội giải phóng” được ông viết vào tháng 8/1954, cùng một số bài ca do chính nhạc sĩ sáng tác trước mấy ngày bộ đội về tiếp quản. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ (ảnh), người mà giới âm nhạc Việt Nam đặt cho cái tên: “Ông vua của Sonate Việt Nam”.
Vào một ngày thu, nắng vàng se se lạnh, trong căn phòng ấm cúng số nhà 13- phố Nguyễn Quang Bích – quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tôi được nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ kể lại những giờ phút lịch sử của đất nước, thời khắc của một con người Hà Nội trong đó có ông. Đó là ngày giải phóng Thủ đô (ngày 10/10/1954). Giờ đây ông đã bước sang tuổi gần 90 nhưng trí óc vẫn minh mẫn, ăn nói nhẹ nhàng. Sau vài giây suy ngẫm ông lục trong đống tài liệu đưa cho tôi xem một mảnh giấy mỏng nhầu nát qua thời gian. Có chữ kí, con dấu đỏ (Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội). Nội dung ngắn gọn: “Đồng chí Lê Văn Thành thay mặt Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội giao nhiệm vụ cho ông “Anh Đỗ Quyên” (tên bí danh) phụ trách một ban nhạc và đội đồng ca do Thành đoàn tổ chức, tập trung ở Hồ Hoàn Kiếm để đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô”.
Với một giọng nói nhẹ nhàng, ông Quỳ cho biết: “Tin chiến thắng từ Điện Biên Phủ liên tiếp được anh Sinh là cán bộ trong Thành đến báo cho tôi hằng ngày. Cũng cần nói thêm, trong thời gian này tôi tham gia hoạt động học sinh, thanh niên kháng chiến nội thành, tổ chức hội họp tại số nhà 65 phố Hàng Bông- Thợ Nhuộm và tại nhà tôi ở 13 Phạm Phú Thứ (nay là số nhà 13 phố Nguyễn Quang Bích).
Để gấp rút chuẩn bị chào đón Đại đoàn về tiếp quản Thủ đô, anh Lê Thành là Thường vụ Thanh niên Cứu quốc nội thành giao cho tôi phổ biến các bài hát Cách mạng Việt Nam và những bài hát Cách mạng Liên Xô như bài – “Thanh niên dân chủ toàn thế giới”, và yêu cầu tôi sáng tác gấp một số bài hát để chuẩn bị đón đoàn quân về tiếp quản Thủ đô. Anh Thành căn dặn: “Chia thành từng tốp nhỏ 4 - 5 người để dạy hát, tránh tập trung đông người (thời kì này chúng tôi vẫn hoạt động trong bí mật). Sau đó số người tôi dạy được nhân rộng gần 100 người. Lúc này tôi cũng mời thêm được nhạc sĩ Tô Mi chơi đàn violon ở ngay cạnh nhà tôi, phố Nguyễn Văn Tố, cùng anh Nguyễn Đình Thanh chơi đàn acoócđêông (em ruột cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi) từ Hải Phòng về tham gia ban nhạc cùng dàn đồng ca (nhạc sĩ Tô Mi và Nguyễn Đình Thanh nay đã mất).
Đúng 7 giờ 30 sáng, ngày 10/10/1954, tôi dẫn đầu ban đồng ca khoảng 200 người, xếp thành hàng 4 cùng lá cờ đỏ sao vàng xuất phát từ số nhà 13 Phạm Phú Thứ - nay là số nhà 13 phố Nguyễn Quang Bích, nhà tôi ở hiện nay, tiến về Hồ Hoàn Kiếm. Ban đồng ca được tập trung, xếp hàng thứ tự ở bến tàu điện Bờ Hồ (trước cửa Nhà hàng Cá mập hiện nay), hát những ca khúc Cách mạng Việt Nam và một số bài do tôi sáng tác. Dân chúng từ các phố Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang kéo về tập trung mỗi lúc một đông, hòa thành một không khí náo nhiệt, vui tươi, người nào cũng tay cờ, tay hoa cùng nhau vỗ tay hát theo ban đồng ca: “Hoan hô các anh về đây giải phóng Thủ đô” khi đoàn quân cùng xe cơ giới tiến qua.
Nhà quay phim người Nga, Các Men đã dừng ống kính quay phim ở tốp đồng ca và ban nhạc chúng tôi rất lâu để ghi hình.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ với cây đàn ghita đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô (1954). |
Hơn nửa thế kỉ qua đi, kỉ niệm về những giây phút lịch sử thiêng liêng đó không bao giờ quên trong đời tôi cho đến tận bây giờ”.
Gần trọn cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, nhưng chưa bao giờ ông thấy thỏa mãn trong sự nghiệp sáng tác. Ông luôn trăn trở đau đáu về tương lai của nền âm nhạc nước nhà. Theo ông, âm nhạc Việt Nam phải vươn xa đến nhiều nước trên thế giới. Tâm hồn, con tim và khối óc của ông lúc nào cũng muốn hòa quyện giữa thể nhạc dân tộc- nhạc (bác học) nước ngoài thành những bản Sonate có giá trị nghệ thuật cao. Chính vì lẽ đó đã từ lâu giới âm nhạc Việt Nam mệnh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là “Ông Vua của dòng Sonate Việt Nam”.
Duy Ngọc