Phát huy tối đa vai trò xúc tác và gắn kết Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ phát biểu. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Bước vào thế kỷ XXI, thế giới nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đã chứng kiến những thay đổi to lớn về chất, thách thức, cơ hội đan xen. Mặc dù bối cảnh an ninh phức tạp hiện nay, quan hệ hợp tác vì hòa bình, an ninh, phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm vẫn là một xu thế chủ đạo.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương kể từ Hội nghị thường niên lần đầu tiên của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) vào năm 1993 vẫn luôn là động lực năng động của tăng trưởng toàn cầu.
Cùng với sự phát triển của ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện cũng được thúc đẩy một cách tích cực, thể hiện sinh động với sự tham gia tích cực của các nghị sỹ tại các tổ chức, diễn đàn liên nghị viện như: Liên minh Nghị viện thế giới, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng liên nghị viện ASEAN.
Chia sẻ đánh giá, nhận định của đại biểu các nước về vai trò của các nghị viện trong duy trì, củng cố môi trường chính trị, an ninh hòa bình, ổn định, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển là trách nhiệm to lớn, vừa thường xuyên, vừa cấp bách của tất cả thành viên APPF.
Các nghị viện cần đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng môi trường hòa bình, an ninh khu vực dựa trên luật pháp. Là cơ quan lập pháp, các nghị viện một mặt cần nội luật hóa các cam kết quốc tế, tăng cường giám sát việc thực hiện nghĩa vụ, cam kết đối với các công ước, luật pháp quốc tế; mặt khác xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác giữa các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc về tôn trọng chủ quyền, thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các nghị viện cần đưa quan điểm phát triển bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài cho các chính sách, biện pháp phát triển.
APPF cần tiên phong trong việc củng cố hệ thống đa phương mở, tự do, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ. Đây là tiền đề cho hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, bảo vệ và nâng cao mức thụ hưởng đồng đều từ toàn cầu hóa, liên kết kinh tế cho người dân.
Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia Fahri Hamzah, Trưởng đoàn đại biểu Indonesia cho rằng, các thách thức trên thế giới đòi hỏi phải được thảo luận tại nghị viện và mong đợi nhiều ở những nghị sỹ, người đại diện cho người dân.
Các thành viên Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình Dương phải hiện thực hóa ngoại giao nghị viện vì người dân đang sống trong một thế giới mà xung đột dễ xảy ra, phải hợp tác với nhau và có những bước đi chắc chắn hơn.
Ngoại giao nghị viện, nhất là APPF phải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan. Mỗi kỳ họp cần thực hiện việc đưa lời nói tới hành động, vì lợi ích, chính nghĩa của người dân trên thế giới, với chức năng cao cả là tạo hòa bình, công bằng.
Do đó, vai trò của các nghị sỹ là cần tiếp tục nâng cao sự hợp tác giữa các nghị sỹ, những người đã được người dân bầu ra, theo hướng thực chất hơn.
Mối quan hệ đối tác cần được củng cố hơn nhằm đóng góp cho hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững của khoảng 3 tỷ người dân ở 27 quốc gia thành viên APPF. Trong sự đóng góp đó, APPF phải phát huy tối đa vai trò xúc tác và gắn kết các bên.
Góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực, chủ nghĩa khủng bố Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Phiên họp toàn thể đầu tiên về các vấn đề chính trị và an ninh tập trung vào chủ đề thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia.
Theo đó, các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ được thảo luận nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, trong đó nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao nghị viện.
Bối cảnh quan hệ quốc tế ngày nay đòi hỏi sự tham gia sâu sắc hơn của các nghị sỹ để đưa ra các văn bản luật, củng cố ý chí chính trị, nâng cao các giải pháp ngăn ngừa xung đột cùng hướng tới mục tiêu vì hòa bình, thịnh vượng, phát triển bền vững và bao trùm.
Cho rằng thế giới thay đổi nhanh chóng, nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, chưa vững chắc nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng bền vững, vì thế thành quả này cần gìn giữ và phát huy, Phó Chủ tịch Thường trực Nhân đại Trung Quốc Trần Trúc, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc chia sẻ, người dân đang sống trong cộng đồng chung vì thế rất cần môi trường hòa bình. Mỗi nước có điều kiện hoàn cảnh khác nhau nhưng cần hợp tác xóa bỏ khác biệt, tôn trọng lẫn nhau, chia sẻ những vấn đề cùng quan tâm. Vấn đề công bằng cần được chú trọng, tiếp tục duy trì việc tuân thủ nguyên tắc chung của Liên hợp quốc, trật tự thế giới.
Để đảm bảo môi trường an ninh toàn khu vực, đối mặt với nhiều thách thức an ninh rộng lớn, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cần hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau. Mọi người đang sống trong cộng đồng có tương lai chung nên phải hợp tác chống triệt để khủng bố và nguyên nhân sâu xa của khủng bố.
Về phát triển và hội nhập kinh tế, các nước cần tạo môi trường thúc đẩy tự do thương mại đầu tư, giúp hội nhập kinh tế cởi mở hơn, đem lại lợi ích cho tất cả các bên, tạo động lực phát triển kinh tế trong giáo dục, y tế, mang lại thịnh vượng chung cho khu vực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sengouance Sayalat cho rằng, bối cảnh thế giới biến đổi khó lường, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy tác động đến nỗ lực hội nhập khu vực và quốc tế.