Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc Hội nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF nhiệm kỳ 2017 - 2018:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF 26 phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
- Kính thưa các vị Chủ tịch Quốc hội, các vị Trưởng đoàn Nghị viện các nước thành viên Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương và quan sát viên,
- Kính thưa các vị khách quý,
- Kính thưa các Quý bà, Quý ông Tôi rất hân hạnh được thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu nghị viện thành viên và quan sát viên, các vị khách mời tham dự Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) tổ chức tại Hà Nội, Thủ đô ngàn năm lịch sử văn hiến của Việt Nam. Xin nhiệt liệt chào mừng quý vị tới thăm đất nước của chúng tôi với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng và một nền văn hóa đặc sắc, cùng những con người Việt Nam thân thiện và năng động. Tôi cũng xin gửi tới các vị trong ngoại giao Đoàn, các tổ chức quốc tế, các vị khách mời trong nước và quốc tế lời chào nồng nhiệt nhất.
Việt Nam rất vinh dự lần thứ hai được chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương, một hội nghị quan trọng đối với nghị sĩ các quốc gia trong khu vực. Nhân dịp này, tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành về sự tín nhiệm và đánh giá cao của các nghị viện thành viên APPF đối với Quốc hội và nhân dân Việt Nam.
Kính thưa các quý vị, Đã 25 năm trôi qua kể từ khi Tuyên bố Tokyo được thông qua vào tháng 1 năm 1993 để chính thức thành lập APPF với 15 nghị viện sáng lập. Ngày nay, APPF đã phát triển và trở thành một diễn đàn quy tụ 27 Nghị viện thành viên đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hơn 4,5 tỉ người trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APPF đã tích cực triển khai các cam kết trong những tuyên bố lịch sử của mình, hướng tới một “ngôi nhà chung hài hòa và năng động”; góp phần đẩy mạnh xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực; ủng hộ và bổ trợ cho các nỗ lực của Diễn đàn Hợp tác kinh tế (APEC), qua đó APPF đã thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, cùng APEC góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, đem lại thịnh vượng cho người dân trong khu vực.
APPF đã thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, nhất là thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).
Đặc biệt quan trọng đó là cùng với các cơ chế hợp tác liên nghị viện khác, APPF đã đóng góp vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sỹ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hội nghị APPF-26 lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những thay đổi nhanh chóng và phức tạp, thách thức và cơ hội đan xen, khó lường. Kinh tế khu vực và thế giới đang phục hồi, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trung và dài hạn. Các cuộc xung đột, căng thẳng tiếp tục đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với sự ổn định và hòa bình, an ninh trong toàn khu vực. Những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: biến đổi khí hậu, khủng bố, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước... tiếp tục thách thức sự phát triển bền vững của từng quốc gia và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tiến bộ về công nghệ đang từng bước thay đổi xã hội cũng như phương thức kết nối của chúng ta. Thương mại, đầu tư đã mang đến cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương sự thịnh vượng cho nhiều quốc gia. Xu hướng liên kết kinh tế tuy có nhiều sự thay đổi nhưng vẫn tiếp tục là xu hướng chính trong dòng chảy kinh tế thương mại quốc tế.
Một cách tổng thể, có thể nói APPF đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng. Điều đó đặt ra cho chúng ta những nhiệm vụ mới nhằm củng cố hơn nữa những thành quả APPF đã đạt được và đưa Diễn đàn của chúng ta lên một tầm cao mới.
Do đó, tại Hội nghị thường niên APPF 26 này, ngoài việc cùng nhau trao đổi về các vấn đề an ninh chính trị, kinh tế thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa xã hội, môi trường..., một trong những mục tiêu phấn đấu chính của Hội nghị là xây dựng một Tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển, bám sát chủ đề của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”. Tầm nhìn đó cần phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn, hiệu quả hơn, khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF, giữa APPF với các thể chế khu vực khác vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bao trùm.
Thưa các quý vị đại biểu,