Nghệ An: Nhiều địa phương 'nợ' tiêu chí bảo đảm bình đẳng giới trong quản lý cán bộ

Việc thực hiện quy định bình đẳng giới trong quản lý cán bộ, công chức thực tế còn nhiều khó khăn. Vậy nên, dù đã được công nhận nông thôn mới, đến nay nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn còn “nợ” tiêu chí này.

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng các đại biểu nữ nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới. Ảnh: nghean.gov.vn

Nhằm thực hiện mục tiêu này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn số 4999/LĐTBXH-KHTC hướng dẫn thực hiện tiêu chí thành phần 18.6 về đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội (Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới). Trong đó, để bảo đảm nội dung bình đẳng giới mỗi xã được công nhận nông thôn mới phải có ít nhất 1 nữ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã với các chức danh như: Bí thư đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã.

Trên thực tế, việc thực hiện quy định này còn nhiều khó khăn. Dù đã được công nhận nông thôn mới, đến nay nhiều địa phương ở Nghệ An vẫn còn “nợ”tiêu chí.

Xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên đang nỗ lực để về đích nông thôn mới trong năm 2018. Tuy nhiên, để thực hiện nội dung về cơ cấu lãnh đạo nữ theo tiêu chí 18.6, việc cán đích nông thôn mới của Hưng Châu trong năm 2018 là không thể thực hiện được. Ông Lê Văn Thịnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu lý giải: Hưng Châu là xã đặc thù, địa bàn khá phức tạp. công tác bổ nhiệm cán bộ địa phương thường ưu tiên nam giới.

“Trắng” cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt cũng là tình trạng nhiều năm nay ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Dù đang là giai đoạn nước rút để về đích nông thôn mới và biết rằng tiêu chí cán bộ nữ là một trong những tiêu chí quan trọng nhưng lãnh đạo xã chưa biết sắp xếp “chị em” vào vị trí nào. Theo ông Trần Đình Túy, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn, nguyên nhân của thực trạng là hiện nay các vị trí chủ chốt đều do những người khá lớn tuổi đảm nhận. Vì thế, nếu thay thế họ, không biết sắp xếp nhân sự sao cho hợp lý.

Tại huyện Thanh Chương, trong 11 xã được công nhận nông thôn mới, chỉ có 4 xã có cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt. Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Tiêu chí về cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt ở chính quyền cấp xã rất quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của cán bộ nữ. Nhưng, trong quá trình thực hiện lại nảy sinh bất cập bởi quy định chỉ mới ban hành cuối năm 2016. Trong khi đó, việc sắp xếp, bố trí bộ máy cán bộ cơ bản đã hoàn thành từ sau đại hội đảng các cấp.

Tại huyện Hưng Nguyên, thống kê cho thấy, số nữ tham gia lãnh đạo các vị trí chủ chốt ở cấp xã thấp. Tỷ lệ nữ tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã chỉ đạt 4,8% và tham gia Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã đạt 17,3 %.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Nguyên: Số cán bộ nữ tham gia các vị trí chủ chốt trên địa bàn huyện có tăng theo từng năm nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Thực tế, trong quá trình triển khai vẫn còn tình trạng cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình phấn đấu vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Một số nơi còn định kiến về năng lực phụ nữ và chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ của đơn vị mình.

Theo thống kê đầu năm 2018, trong số 480 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh Nghệ An chỉ mới có 33 nữ Chủ tịch HĐND, 87 nữ Phó Chủ tịch HĐND, 15 nữ Chủ tịch UBND, 44 nữ Phó Chủ tịch UBND và 28 nữ Bí thư, 77 nữ Phó Bí thư, con số này là khá khiêm tốn.

Ông Nguyễn Văn Hằng, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện chưa thống kê được số xã đạt được nội dung về cơ cấu lãnh đạo nữ theo tiêu chí 18.6 trong số 181 xã đã được công nhận nông thôn mới. Thực tế, đây là tiêu chí khó, đặc biệt trong thời điểm Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành.

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An cho rằng: Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, tỉnh Nghệ An cần xây dựng cơ chế quy định cụ thể tỷ lệ nữ trong nguồn quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý; có chính sách cụ thể đối với cán bộ nữ trong đào tạo, bố trí, sử dụng, đề bạt ở các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, xóa bỏ định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam, nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Những xã đã và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới cần xem đây là một tiêu chí cứng, trên cơ sở đó có kế hoạch để cơ cấu, quy hoạch, bố trí hợp lý nhằm từng bước thực hiện đúng theo quy định.

Bích Huệ (TTXVN)
Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN