Trao đổi với phóng viên TTXVN về các nội dung cần quan tâm để phụ nữ có cơ hội phát triển, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đề cập tới 3 nhóm vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực; phòng, chống bạo lực gia đình và việc làm cho phụ nữ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ
Kết quả điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2015 cho thấy, tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-60 của toàn quốc là 94,7%. Trong đó, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ nữ trên 15 tuổi biết đọc, biết viết chữ phổ thông mới đạt 73,4%. Ở một số nơi, tỷ lệ nữ các dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết đặc biệt thấp như dân tộc Mông 33,3%, Hà Nhì 35,9%, La Hủ 25,3%, Lự 23,3%, Mảng 32,4%, Cơ Lao 34,3%.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, sáng 9/11. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Tỷ lệ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ dân tộc thiểu số chỉ là 5,9%. Nhìn nhận đây là vấn đề đáng lo ngại, bà Bùi Thị Hòa nêu nguồn vốn nhân lực thấp sẽ cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa bàn khó khăn, đồng thời tiềm ẩn nhiều vấn đề phát sinh do nguy cơ khoảng cách về cơ hội và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế ngày càng rộng giữa các nhóm dân số khác nhau.
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số đang gặp những bất lợi kép do định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em gái và bất lợi do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em gái bỏ học sớm để làm việc hoặc lấy chồng; tình trạng tảo hôn khiến các em gái bỏ dở việc học tập, trong khi đó trẻ em trai dù đã có gia đình do tảo hôn vẫn dễ dàng tiếp tục việc học tập.
Hướng đến mục tiêu tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95% vào năm 2020, theo bà Bùi Thu Hòa, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ để phát triển giáo dục tại các địa bàn dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, cần có những chính sách đặc thù để khuyến khích trẻ em gái đến trường, như: Phát huy vai trò của già làng, người có uy tín và huy động sự tham gia của cán bộ thôn, bản; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh nữ ở vùng dân tộc thiểu số... Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới nói chung, không phân biệt đối xử với phụ nữ nói riêng; tuyên truyền các tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số thành công làm động lực cho các em gái và gia đình các em đầu tư cho việc học của con gái.
Bảo đảm bình đẳng giới trong gia đình
Bạo lực gia đình là vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Bạo lực gia đình làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ, ảnh hưởng đến sự an toàn lành mạnh của cộng đồng và trật tự xã hội. Theo Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy, hơn một nửa phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời; 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể chất trong cuộc đời và có tới 54% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực tinh thần trong cuộc đời.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%; gây tổn hại về sức khỏe, thể chất 87,5%; tổn thương về tâm lý, tinh thần 89,4%; gây tan vỡ gia đình 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội 89%.
Theo bà Bùi Thị Hòa, nguyên nhân sâu xa của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ là do sự bất bình đẳng về giới và nhận thức sai lệch, chưa đúng đắn về bình đẳng giới. Một điều rất đáng quan tâm là một số nạn nhân của bạo lực gia đình nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều “bình thường” và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình.
Với mục tiêu, 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 85% số người gây bạo lực được phát hiện, được tư vấn tại cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình vào năm 2020, bà Bùi Thị Hòa cho biết, nhiệm vụ trước mắt vẫn là tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới phải được lồng ghép trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành; việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững được xem là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình...
Bảo đảm việc làm cho phụ nữ
Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính đến ngày 1/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người, chiếm 52%, lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48%. Trong năm 2016, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động (tăng 0,98% và 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 và 2014), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48%.
Bà Hòa cho biết, tỷ lệ lao động nữ cao song tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề mới chỉ chiếm khoảng 20% và thường tập trung ở những ngành nghề lao động đơn giản, kĩ thuật thấp, môi trường độc hại, không chính thức. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Việt Nam bị tụt hạng về chỉ số bình đẳng giới.
Phân tích về thực trạng lao động nữ hiện nay, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam cho biết, gần đây nhiều doanh nghiệp với các lý do khác nhau đã sa thải lao động nữ làm việc trong khu công nghiệp có độ tuổi 35 trở lên. Trong khi đó, ở độ tuổi sau 35, việc học nghề đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định.
Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp có nhiều lao động nữ được thực sự hưởng chính sách ưu đãi về tiếp cận vốn, giảm thuế; có các quy định cụ thể để nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử về giới trong lao động, việc làm; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm từ nguồn ngân sách phải có chỉ tiêu bắt buộc về tỷ lệ tham gia của lao động nữ...