Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết nhìn lại những bước phát triển trong thời gian qua và tương lai sắp tới của Hiệp hội cùng những đóng góp của Việt Nam đối với sự lớn mạnh của tổ chức khu vực.
TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, có tiêu đề "ASEAN: Tâm điểm hòa bình, hợp tác và phát triển":
Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời, đặt nền móng cho hợp tác khu vực. Từng bước lớn mạnh, ASEAN chăm chỉ gieo trồng hạt giống trên vùng đất mới. Đó chính là những hạt giống của hàn gắn rạn nứt, nuôi dưỡng lòng tin, mở đường cho Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Những hạt giống ngày ấy đã mang lại thành quả lớn, Cộng đồng ASEAN hình thành, phát triển vững mạnh và sẵn sàng trở thành lực lượng trung tâm trong các tiến trình khu vực. ASEAN từng bước khẳng định được vị trí của mình, là trụ cột của hòa bình, tâm điểm của tăng trưởng và hạt nhân của đối thoại, hợp tác ở khu vực.
Lan tỏa giá trị của đối thoại và hợp tác
Ra đời trong bối cảnh Đông Nam Á đang chuyển mình, đối mặt với vô vàn thách thức, giông bão đến từ mọi hướng, ASEAN hiểu rõ hơn hết giá trị của môi trường hòa bình, an ninh và ổn định. Trên thực tế, đây là mệnh đề chính của bài toán phát triển phồn vinh, đến lượt mình, đối thoại và hợp tác là lời giải cho bài toán này. Các nước ASEAN đang cùng nhau giải bài toán này với sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế.
Điều đó được thể hiện trước hết ở các chuẩn mực ứng xử do ASEAN xây dựng, góp phần định hình và dẫn dắt các mối quan hệ hợp tác hướng đến mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) là một mình chứng rõ ràng cho những nỗ lực của ASEAN. Đến nay TAC với 51 quốc gia tham gia đã trở thành văn kiện nền tảng, là căn bản cho quan hệ và ứng xử giữa các nước ở khu vực, ngày càng nhiều nước bày tỏ nguyện vọng tham gia, chứng tỏ giá trị và sức sống của Hiệp ước cũng như thành công của ASEAN trong chia sẻ và lan tỏa các chuẩn mực ứng xử.
Một ví dụ khác cho các nỗ lực của ASEAN chính là quá trình thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đang diễn ra. Một mặt đây chính là những cố gắng của ASEAN hướng đến xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, cũng là nỗ lực trong xây dựng văn hóa tham vấn và đối thoại.
Thế giới chuyển động không ngừng, ẩn chứa nhiều bất định, hòa bình không đơn giản là sự vắng bóng của chiến tranh, xung đột. Hòa bình cũng không phải là điều mặc nhiên sẵn có. Với trải nghiệm của hơn nửa thế kỷ, ASEAN hiểu sâu sắc hòa bình chỉ có được khi tất cả cùng chung ý chí, đoàn kết và quyết tâm xây dựng, vun đắp cho những mối quan hệ lành mạnh, ổn định và sẵn sàng đóng góp trách nhiệm cho hợp tác. Bất đồng là điều khó tránh khỏi, song quan trọng hơn cả là ứng xử thiện chí và thực tâm, vượt qua những tính toán vị kỷ, để cùng hành động vì lợi ích chung.
Luồng gió mới cho hợp tác kinh tế và phát triển
Ngay từ những ngày đầu thành lập, ASEAN lấy kinh tế - thương mại làm nền tảng và động lực cho hợp tác khu vực. Sự phát triển của liên kết kinh tế - thương mại được đánh dấu bằng việc thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) năm 1992 và các nỗ lực tự do hóa dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư.
Cùng với liên kết nội khối, ASEAN mở rộng liên kết với bên ngoài, đưa Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành tâm điểm giao thoa của các thỏa thuận hợp tác đa phương. Mạng lưới Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới cùng việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 là đóng góp thiết thực của ASEAN cho hệ thống thương mại đa phương, rộng mở, minh bạch trong khu vực và trên thế giới.
Với dân số gần 700 triệu người và GDP gần 4000 tỷ USD, ASEAN là một không gian kinh tế rộng lớn, phát triển năng động và đầy triển vọng. Vượt qua những "cơn gió ngược" của nền kinh tế thế giới, ASEAN thổi luồng gió mới, tạo động lực và mang lại hy vọng lạc quan cho kinh tế khu vực.
Giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN là điểm sáng tăng trưởng và điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tăng trưởng khu vực được dự báo tích cực, đạt mức 4.7% năm 2023 và 5% vào năm 2024, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Trong khi đó, năm 2022, thương mại hàng hóa của ASEAN tăng gần 15% đạt 3800 tỷ đô-la Mỹ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,5% đạt gần 225 tỷ đô-la Mỹ.
Trước các xu thế lớn của thời đại, ASEAN đã nhanh chóng điều chỉnh cách tiếp cận, đổi mới, sáng tạo hơn trong phương thức và nội dung hợp tác theo hướng xanh, sạch và bền vững. Tìm kiếm, mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng mới là trọng tâm và mối quan tâm hàng đầu trong trao đổi giữa ASEAN và với các đối tác.
Nhiều biện pháp được triển khai quyết liệt như đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại và Hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…; đưa ra nhiều sáng kiến mới như xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Khung Kinh tế tuần hoàn, Khung Kinh tế biển xanh, Chiến lược trung hòa carbon… Đây chính là hành trang cho một ASEAN chủ động thích ứng với các cơ hội, thách thức hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và nâng cao tự cường cho khu vực.
Chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn
Tham gia ASEAN vào thời điểm bắt đầu đổi mới, hội nhập, hành trình gắn bó cùng ASEAN gần 30 năm qua thể hiện nhất quán chủ trương của Việt Nam, luôn nỗ lực và đóng góp hết mình vì một ASEAN đoàn kết và phát triển vững mạnh.
Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, 10 năm triển khai Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và 5 năm triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam đang từng bước vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực hợp tác của ASEAN.
Tinh thần trách nhiệm cùng các đóng góp thiết thực của các bộ, ngành, địa phương đã góp phần khẳng định hình ảnh một Việt Nam chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo với vị thế và tiếng nói ngày càng cao ở khu vực và quốc tế. Các sáng kiến của Việt Nam, đặc biệt qua các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020 đều để lại những tài sản trân quý cho ASEAN, tạo đà thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ngày một tiến xa hơn và mạnh mẽ hơn.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, "Việt Nam nguyện hết lòng chăm lo vun đắp cho sự bền vững của ngôi nhà chung ASEAN. Hợp tác, liên kết ASEAN là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược của Việt Nam". Với tinh thần tham gia chủ động, tích cực, trách nhiệm và đóng góp hiệu quả, Việt Nam cam kết cùng các nước thành viên nỗ lực và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng về một ASEAN chuyển mình mạnh mẽ, vươn tầm bứt phá, thực sự là tâm điểm của hòa bình, hợp tác và phát triển.