Ngày 30/3: Số ca mắc tăng lên 203, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra Lời kêu gọi đoàn kết chống COVID-19

Trong ngày 30/3, Việt Nam ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng lên 203. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi động viên đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và kiều bào đoàn kết, nỗ lực để chiến thắng đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó là nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khi bệnh viện này trong tình trạng cách ly.

Lời kêu gọi toàn thể dân tộc chung sức, đồng lòng

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân được ra viện sáng 30/3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: TTXVN phát

Trước tình hình đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ngày 30/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, bảo đảm chiến thắng đại dịch này.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế, lực lượng quân đội, công an và các ban, bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc kịp thời, tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí… trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tổng Bí thư nêu rõ: Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa.

“Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” – Tổng Bí thư kê gọi.

“Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19” – Lời kêu gọi đã tác động mạnh mẽ tới tình cảm, nhận thức và ý chí của mọi người dân.

Thủ tướng đồng ý việc công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc

Chú thích ảnh
Thực hiện mọi biện pháp kiểm soát dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN.

Một ngày sau khi chủ trì cuộc họp trực tuyến và thị sát tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về nội dung này để đưa ra những biện pháp quyết liệt hơn, tăng cường làm việc trực tuyến tại nhà và hạn chế di chuyển tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đáng chú ý, cũng tại cuộc làm việc này, Thủ tướng đồng ý việc công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục “thần tốc” trong chống dịch, cương quyết dồn mọi nguồn lực dập dịch. Mặc dù chưa công bố tình trạng phong tỏa, nhưng theo Thủ tướng, việc đi lại của người dân còn quá đông, trong khi dịch bệnh đang có nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở nhà. "Việc này phải thực hiện cương quyết và không do dự. Tinh thần là tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó và nhà nào ở nhà đó trừ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, các bệnh viện - nơi phục vụ nhân dân". Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết. Các cơ quan, đơn vị cần bố trí người làm việc trực tuyến tại nhà trong nửa tháng tới, trừ những “bộ phận đầu não” phải trực.

Thủ tướng nhấn mạnh lại đây là thời điểm có ý nghĩa quyết định đến cục diện “cuộc chiến” chống dịch bệnh COVID-19, do đó, phải tập trung cao độ cho phòng, chống dịch bệnh. Trước hết, ngành y tế phải phải phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và ngành Công an, “tranh thủ từng phút, từng giờ” để rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm tại ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh.

“Phải thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này”, Thủ tướng nói và đề nghị tiếp tục kêu gọi người dân khai báo đã đến thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 10/3 tới nay liên hệ để được xét nghiệm COVID-19. Ngành Công an phải phối hợp để làm rõ nhân thân, các mối quan hệ liên quan đến Công ty TNHH Trường Sinh để có biện pháp phòng, chống kịp thời.

 

Nghiên cứu sản xuất máy thở

Chú thích ảnh
Bác sĩ thực hiện lọc máu liên tục (CVVH) cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: TTXVN phát

Cũng trong ngày 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Một trong các nội dung quan trọng là việc sản xuất thiết bị bảo hộ, nghiên cứu sản xuất máy thở. Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày. Việt Nam đã chủ động được nguồn nguyên liệu. Về khẩu trang chuyên dụng (N95), các doanh nghiệp có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương…

Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công xuất tối đa. Doanh nghiệp nào có năng lực sẽ tiến hành mở rộng dây chuyền.

Về trang phục bảo hộ y tế, các doanh nghiệp trong nước cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài, một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế kêu gọi cả nước ủng hộ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19

Ngày 30/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, các ý kiến cho rằng: cần đề cao tính chủ động của các bệnh viện (cả về phác đồ điều trị, thuốc men, vật tư y tế…).

Đặc biệt trong thời điểm này, các bác sĩ cần tự tin, dũng cảm trong quyết định điều trị. Phác đồ là nguyên tắc chung, chỉ có bác sĩ đang điều trị trực tiếp mới có thể biết rõ phải ra quyết định vào thời điểm nào, dùng thuốc gì, phương pháp nào để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất…

Trong lúc này, những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch rất cần có sự động viên chia sẻ của cộng đồng, xã hội và nhân dân cả nước.

Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch vững tin, dũng cảm và ấm lòng; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà. Các địa phương cần bố trí khu vực riêng phục vụ nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch cách ly, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe trong giai đoạn căng thẳng này.

Tinh thần của các y, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai vẫn vững vàng

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bạch Mai hiện là 1 trong 2 ổ dịch được đặc biệt lưu ý. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thông tin về tình hình tại Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Đến thời điểm này, Bạch Mai đã sang ngày thứ 2 thực hiện cách ly toàn bộ bệnh viện, theo chủ trương “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Bệnh viện vẫn ổn, tinh thần của các y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn rất vững vàng, không có ai nao núng.

Đặc biệt, dù bị phong tỏa, cách ly, nhưng nhân viên y tế của bệnh viện vẫn đang nỗ lực hết sức. Bệnh nhân yên tâm điều trị, được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện. Hiện, các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện vẫn đang nỗ lực ngày đêm với quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh, còn không để bệnh nhân bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo. Chia sẻ với phóng viên, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Trong số các y bác sĩ ở đây, có một bác sĩ trẻ vừa là đồng nghiệp, vừa là học trò của chúng tôi. Bác sĩ này đang mang thai tháng thứ 9 nhưng vẫn xung phong ở lại bệnh viện để chăm sóc cho bệnh nhân. Bác sĩ đã có rất nhiều chia sẻ trên facebook để truyền cảm hứng và được nhiều người theo dõi, chia sẻ. Đây là một tấm gương vì người bệnh”.

Trong lúc này, Bệnh viện Bạch Mai vẫn không dừng tiếp nhận bệnh nhân rất nặng, nguy kịch, tiếp tục cứu người. Ngành Y tế đang tính tới phương án điều trị cho các bệnh nhân này nếu Bệnh viện bị phong toả dài ngày. Trước mắt, ngày 30/3, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã phối hợp với các cơ quan chức năng và Bệnh viện Bạch Mai mở lối đi riêng cho 552 bệnh nhân chạy thận nhân tạo hàng ngày tại Bệnh viện. Lối đi này được dựng barie và có lực lượng Công an hướng dẫn, kiểm soát phòng dịch bệnh.

Đối với các y bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia cho rằng, không thể cách ly bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm việc liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác.

Lãnh đạo BV Bạch Mai kiến nghị cho phép khách sạn Mường Thanh (Hà Đông) trở thành khu cách ly, luân chuyển nhân viên y tế bệnh viện Bạch Mai tới để tiếp tục làm việc vì có những trường hợp bệnh nhân phải thực hiện cách ly 28 ngày. Vì nếu không có chỗ cho cán bộ, nhân viên bệnh viện vừa cách ly vừa nghỉ ngơi, thì khó có thể trụ được một cách bền vững.

Ngày 30/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý cho Bạch Mai tiếp nhận nguồn cung ứng thực phẩm từ bên ngoài vào, nhưng BV phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về nguồn này và phải có nơi tiếp nhận đảm bảo. Về đề xuất để khách sạn Mường Thanh là nơi cách ly cho cán bộ, nhân viên BV Bạch Mai, ông Chung đề nghị Sở Y tế giải quyết thủ tục.

Chiều 30/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, trong đó có một số nội dung liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Thường trực Thành ủy cùng với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội quyết định hỗ trợ tối đa các nội dung Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, trong đó có việc tổ chức cách ly tập trung cho cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện tại một khách sạn trên địa bàn Thủ đô nhằm bảo đảm sức khỏe lâu dài cho lực lượng này.

30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Tổng hợp của Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19 từ 22 cơ sở điều trị khám, chữa bệnh COVID-19 cho biết, đến sáng 30/3 đã có 30 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh theo Tiêu chuẩn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Trong đó, 27 bệnh nhân ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi.

Bên cạnh đó, sức khỏe 4 bệnh nhân nặng đã có tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân số 26 đã bỏ máy thở, rút nội khí quản; ba bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định (trong đó có một ca ECMO và hai ca thở máy) tiến triển tốt lên. Bốn nhân viên y tế gồm hai bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và hai điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai tình trạng sức khỏe ổn định.

Trong ngày 30/3, Bộ Y tế đã ra mắt và khởi động chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên TikTok với hashtag #BYT_nCoV, #onhavanvui. Kêu gọi cộng đồng thực hiện các khuyến cáo, nội dung thông điệp phòng chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã khởi động tài khoản riêng trên nền tảng TikTok để lan toả những kiến thức phòng chống bệnh đúng cách như: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, thực hiện lối sống khoa học, vệ sinh môi trường sống và khai báo y tế chính xác, kịp thời... nhằm nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sức khoẻ, hướng dẫn thực hiện cách ly y tế đúng quy định. Đặc biệt, tài khoản có những hướng dẫn cần làm gì khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở.

Chú thích ảnh
Tài khoản chính thức của Bộ Y tế trên TikTok

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vận hành trang Chung tay chống dịch bệnh COVID-19, để cập nhật tình hình dịch bệnh và cung cấp thông tin kịp thời đến người dùng TikTok.

Ngày 30/3, Hà Nội triển khai xét nghiệm nhanh COVID-19, có kết quả sau 10 phút tại các phường quanh bệnh viện Bạch Mai. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hà Nội phải khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm ngay tất cả các trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai; tổ chức hướng dẫn tất cả các trạm y tế và bệnh viện về việc xét nghiệm nhanh. CDC Hà Nội trước đó đã tiếp nhận 5.000 test nhanh từ Bộ Y tế trong tối 29/3.

"Test này sẽ có kết quả trong 10 phút và thông qua việc lấy mẫu máu. Nếu ai đó dương tính với virus SARS-CoV-2 là chính xác. Đây là test mà Hàn Quốc đã làm", ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu, chuẩn bị sẵn sàng 10 tổ công tác có cả sự tham gia của Công an Thành phố Hà Nội và của Bộ Tư lệnh Thủ đô để tổ chức lấy mẫu test nhanh tai một số các quận, huyện, các khu tập trung đông người. Trước mắt, quyết định chiều 30/3, Hà Nội sẽ triển khai luôn các phường xung quanh bệnh viện Bạch Mai.

Hà Nội đã nhờ một nhóm chuyên gia người Việt ở Seoul, Hàn Quốc, và ở New York, Mỹ thiết kế và cung cấp cho Hà Nội 10 trạm test nhanh COVID-19 theo tiêu chuẩn của WHO. Mỗi trạm này diện tích là 3x3m, có điện, Wifi để làm việc được 24/24. Trước mắt Hà Nội sẽ thuê 10 trạm với giá từ 6-7 triệu đồng/tháng để ở các phường phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao cho Công an thành phố Hà Nội sắp xếp và bố trí tăng cường 10 chiếc xe bán tải, kèm lái xe; CDC phải trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ theo đúng quy định phục vụ trạm di động lấy mẫu xét nghiệm

Ngày 30/3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét miễn/giảm giá điện cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn đại dịch, trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm virus SARS-CoV-2, các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.

 

PV/Báo Tin tức
Thành ủy Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa cho Bệnh viện Bạch Mai phòng, chống dịch COVID-19
Thành ủy Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa cho Bệnh viện Bạch Mai phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 30/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổ chức họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, trong đó có một số nội dung liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì cuộc họp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN