Trong thư, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga “nhìn thấy triển vọng tốt trong việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ cùng có lợi với tất cả các nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)”. Nga chú trọng vào các tiềm năng hợp tác về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, khoa học và công nghệ; đồng thời hy vọng sẽ tăng cường hợp tác về văn hóa, nhân đạo và nối lại trao đổi du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Bức thư cũng cho biết trong năm 2022, Nga dự kiến sẽ tổ chức các cuộc họp thường kỳ của các ủy ban liên chính phủ, tham vấn giữa các Bộ Ngoại giao và các cuộc tiếp xúc cấp cao với nhiều quốc gia Đông Nam Á. Vào tháng 7/2022, Nga dự kiến tổ chức kỷ niệm 125 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Thái Lan. Nga cam kết sẽ hợp tác hiệu quả với Bangkok, Jakarta và Phnom Penh với tư cách là nước Chủ tịch hiện tại của APEC, G20 và ASEAN.
Liên quan đến tình hình Myanmar, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga “ủng hộ vai trò hàng đầu của ASEAN trong việc tìm kiếm các hình thức hỗ trợ quốc tế mang tính xây dựng cho vấn đề Myanmar”. Nga sẵn sàng cùng các đối tác trong ASEAN cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Myanma, kể cả việc góp phần chống đại dịch COVID-19.
Về quan hệ với Việt Nam, người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga nêu rõ: “Chúng tôi hướng tới mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam, người bạn lâu đời và tin cậy của chúng tôi. Năm nay, chúng tôi dự định tiếp tục đối thoại và hợp tác chính trị chuyên sâu về một số chủ đề và lĩnh vực chính theo tinh thần Tuyên bố Tầm nhìn chung về phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030 được thông qua sau chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối năm 2021”.
Cụ thể, Nga mong muốn tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế, kể cả trên cơ sở Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam. Nga cũng nhận thấy cần thúc đẩy đầu tư và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí ở hai nước. Bên cạnh đó, Nga dự định sẽ tổ chức một số sự kiện bị hoãn lại trong “năm chéo” khi các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ, sẵn sàng thúc đẩy trao đổi giáo dục giữa hai nước và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong cuộc chiến chống virus corona.
Ông Lavrov nhắc lại việc Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đăng ký vaccine Sputnik V của Nga (tháng 3/2021) và các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng mua 60 triệu liều vaccine Sputnik. Hiện Nga đang xem xét khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik tại Việt Nam sau khi đã viện trợ cho Hà Nội 100.000 liều vaccine Sputnik Light vào cuối tháng 12 vừa qua. Dự kiến vaccine này cũng sẽ được đăng ký trong thời gian tới.