Kết quả đạt được nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành
Nhìn lại cuộc chiến chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định: trong giai đoạn 1, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên vào ngày 22/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi. Giai đoạn 2 được tính từ ngày 6/3, khi phát hiện ca bệnh thứ 17 dương tính với SARS-CoV-2. Tới ngày 19/3, cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1, ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca mắc bệnh mới. Từ mốc 100 ca đến 1.000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 người mắc COVID-19, sau 7 ngày có 171 ca; sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, có thể nói, số ca mắc ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì đã có những giải pháp sớm, chủ động, kịp thời, hiệu quả.
Tính đến ngày 1/4/2020, Việt Nam có tổng số 212 ca dương tính (bao gồm 16 ca giai đoạn 1), trong đó 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 2 lần trở lên với SARS-CoV-2. Như vậy, hiện còn 149 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 54 ca đã âm tính 1 lần với SARS-CoV-2. Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, sau khi xét nghiệm âm tính lần hai với SARS-CoV-2, bệnh nhân được coi như khỏi bệnh nhưng vẫn được giữ lại các cơ sở y tế để tiếp tục theo dõi, cách ly, điều trị. Bốn bệnh nhân nặng phải thở máy, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho đến giờ đã có ba bệnh nhân đã cai được máy thở; một bệnh nhân đang sử dụng ECMO, chuẩn bị chuyển qua sử dụng máy thở. Điểm đáng mừng là đến giờ Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế.
Theo các thành viên Ban Chỉ đạo, ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 8/2 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 7/3). Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng biện pháp ngừng miễn visa, hạn chế nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020.
Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa thể thực hiện triệt để được các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài như nhiều quốc gia khác. Vì vậy, trước ngày 21/3, đã có hàng trăm nghìn người nhập cảnh vào Việt Nam, đi khắp đất nước và tiếp xúc với rất nhiều người nên thực tế đã có mầm bệnh thâm nhập vào cộng đồng. Ngay sau đó, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm, những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện, giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng, từ đó tập trung dập dịch ngay từ sớm. Đặc biệt là đối với các chuyến bay có người sau đó được phát hiện là mắc bệnh.
Hiện tại, nước ta còn hai ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán bar Buddha ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai. Về cơ bản, hai ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, mỗi ca dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa xác định rõ được nguồn lây đều được coi là một ổ dịch tiềm năng. "Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng. Theo đó, mỗi người dân cần thực hiện các hướng dẫn của ngành Y tế, đặc biệt là hạn chế tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và nếu phải đi ra ngoài, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn", ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo khẳng định.
Cơ bản kiểm soát được ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai
Khẳng định ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã cơ bản được kiểm soát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Đến 12 giờ ngày 1/4, các địa phương đã rà soát, giám sát, quản lý sức khoẻ 44.293 người trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3; cụ thể là có 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan.
Một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh… đã tiến hành xét nghiệm toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai và cho kết quả 100% âm tính.
Qua điều tra dịch tễ trên địa bàn thành phố đã xác định được 16.714 trường hợp có nguy cơ bị lây nhiễm (bệnh nhân, người nhà và những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai) và tổ chức cách ly theo quy định (cách ly tại nhà và cách ly tập trung), triển khai xét nghiệm sàng lọc bằng cả test thử nhanh và xét nghiệm trên máy. Qua sàng lọc bằng test thử nhanh đối với 783 trường hợp, đã phát hiện một số ca dương tính với SARS-CoV-2, tuy nhiên, sau khi tiến hành xét nghiệm trên máy tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, các ca này đều âm tính. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung xét nghiệm trên máy toàn bộ những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố để sàng lọc, cách ly, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Hiện các bệnh viện của Hà Nội đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất, máy móc để có thể điều trị cho 1.000 người mắc COVID-19. Năng lực xét nghiệm của thành phố Hà Nội có thể đạt khoảng 1.800 mẫu/ngày. Thành phố đã tính toán các phương án điều trị trong tình huống có số lượng người mắc tăng đột biến lên nhiều lần, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề này, Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế huy động thêm lực lượng phối hợp cùng thành phố Hà Nội để xét nghiệm trên máy cho toàn bộ những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian sớm nhất.