Tính đến 17h (giờ Việt Nam) ngày 1/4, trên toàn thế giới đã có tổng cộng gần 862.573 ca mắc COVID-19 và 42.528 ca tử vong. Ba nước có số ca mắc và tử vong cao nhất hiện nay là Mỹ với hơn 188.600 ca nhiễm và 4.056 ca tử vong; tiếp đến là Italy với hơn 105.800 ca nhiễm, 12.428 ca tử vong trong khi thứ ba là Tây Ban Nha với gần 102.140 ca nhiễm và 9.053 ca tử vong. Vì vậy để giảm bớt số ca mắc COVID-19 nhất có thể, “giãn cách xã hội” được xem là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để có thể cứu sống hàng triệu người.
Về cơ bản, “giãn cách xã hội” được hiểu là biện pháp nhằm hạn chế tiếp xúc, nghĩa là người dân nên ở nhà, giữ một khoảng cách cụ thể với mọi người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng… Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nếu một người bị nhiễm bệnh, sau 5 ngày có thể làm lây cho 2,5 người và sau 30 ngày thì số người bị nhiễm bệnh có thể bùng phát lên 406 người. Nhưng nếu như người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm khoảng một nửa thì sau 5 ngày, số người bị lây nhiễm chỉ còn là 1,25 người và sau 30 ngày thì số người bị lây nhiễm sẽ chỉ là 15 người. Điều này cho thấy, thực hiện “giãn cách xã hội” càng sớm thì càng cho hiệu quả càng lớn. Và biện pháp này cần phải được duy trì ở một mức độ nào đó cho đến khi tìm ra một loại vaccine hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.
Thực tế trong lịch sử, biện pháp “giãn cách xã hội” đã được áp dụng hiệu quả với đại dịch cúm Tây Ban Nha (năm 1918-1919), dịch SARS (năm 2003) và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm (năm 2009)… Vào năm 1918, dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát khiến gần 1/3 dân số thế giới nhiễm bệnh. Với số người thiệt mạng được ước tính ít nhất 50 triệu người, đây là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại.
Các biện pháp chống dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc cũng là ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của biện pháp này. Ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, khi lệnh phong tỏa quy mô lớn được áp dụng đã khiến hệ số lây nhiễm giảm từ 2,35 xuống gần 1. Khi hệ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác. Mô hình ở Trung Quốc đã cho thấy tầm quan trọng của "giãn cách xã hội" trong phòng chống dịch bệnh. Càng phong tỏa sớm tại tâm dịch thì hệ số lây nhiễm càng thấp.
Chính bởi vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đều chung nhận định rằng trong khi vaccine vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, “giãn cách xã hội” chính là biện pháp vô cùng quan trọng để làm chậm lại sự lây lan của dịch COVID-19, giảm áp lực cho hệ thống y tế và giúp các nước có thêm thời gian, song ngoài ra cũng cần phải kết hợp hiệu quả với các biện pháp khác để có thể dập tắt dịch bệnh.