Đồng chủ trì họp báo có Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự; bà Châu Thị Mỹ Phương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang.
Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp tổ chức tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang vào ngày 30/12/2022, với sự tham dự của khoảng 400 đại biểu.
Đây là sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ấp Bắc (2/1/1963 - 2/1/2023), nhằm khẳng định, làm rõ tầm nhìn chiến lược, chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, khả năng chỉ đạo chiến tranh tài tình, linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Cục miền Nam, đặc biệt là quyết định chuyển cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng (1960 - 1962), tạo cơ sở đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
Đồng thời, hoạt động nhằm góp phần đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi, đúc rút những bài học kinh nghiệm và bài học lịch sử về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược; sự phát triển về nghệ thuật quân sự để vận dụng, phát huy vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Nội dung Hội thảo tập trung làm rõ bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước; phân tích âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, nhất là việc vận dụng những chiến thuật “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” mở các cuộc hành quân càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang giải phóng, hỗ trợ “Chương trình bình định” tại miền Nam Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ thảo luận, phân tích về đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Cục miền Nam khi quyết định chuyển cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng (1960 - 1962); phân tích, luận giải quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận chống càn của Ban Quân sự Miền, trực tiếp là Khu ủy Khu 8, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Đặc biệt, làm rõ phương châm “Bao vây bức rút, bức hàng”, “Đứng lại đánh càn, giải phóng nông thôn” và quyết tâm tiến công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, tiến tới đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ của quân và dân Khu 8 khi đó.
Nội dung các tham luận tại Hội thảo cũng tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong Chiến thắng Ấp Bắc; quá trình phát huy phương châm “ba mũi giáp công”, tạo sức mạnh tổng hợp; nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng tác chiến phòng ngự ở địa hình đồng bằng trong điều kiện nhất định; công tác bảo đảm vũ khí, trang bị, hậu cần và sự tham gia phục vụ chiến đấu, phối hợp chiến đấu của quân, dân các địa phương; đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong vận dụng phương châm tác chiến, trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Ngoài ra, Hội thảo đề cập đến tác động to lớn của Chiến thắng Ấp Bắc đối với phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” và ảnh hưởng của chiến thắng đối với sự phát triển thế và lực của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là cơ hội khẳng định kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền; công tác phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm dân sinh; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh, trật tự của tỉnh Tiền Giang từ sau Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 đến nay, từ đó đúc rút kinh nghiệm và xác định những định hướng chiến lược cho những giai đoạn tiếp theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng sẽ thảo luận, đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử, kinh nghiệm về nghệ thuật chỉ đạo xây dựng, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được trên 70 tham luận của các đại biểu, cơ quan chuyên môn trong và ngoài Quân đội. Các tham luận được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, bám sát nội dung, chủ đề Hội thảo. Nhiều bài viết đã cung cấp thêm tư liệu, tài liệu mới; có cách nhìn nhận mới, phong phú, tin cậy và phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề khoa học, thuyết phục.
Bên lề Hội thảo sẽ diễn ra một số hoạt động khác như: Ban Chỉ đạo Hội thảo thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; các đại biểu dâng hương tại Khu Di tích Chiến thắng Ấp Bắc (xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).