Ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương với 12 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố; 235 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.
Hơn 3 tháng đi vào hoạt động ở những đơn vị hành chính mới, các xã sau sáp nhập đã kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cơ sở. Nhân dịp này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hải Dương về những kinh nghiệm mà Hải Dương rút ra sau khi sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã.
Thưa ông, thực hiện chủ trương sắp xếp lại ĐVHC cấp huyện, cấp xã, bên cạnh những thuận lợi, thì địa phương đã gặp những khó khăn gì, đặc biệt là khi có nhiều đơn vị sáp nhập từ 3 xã thành 1 xã?
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã không đủ tiêu chí về điều kiện tự nhiên, diện tích tự nhiên và dân số, tỉnh Hải Dương đã tích cực, chủ động tiến hành sắp xếp 55 xã (trong đó có một số xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện) xuống còn 25 xã, giảm được 30 xã. Trong quá trình sắp xếp, có một số trường hợp phải sắp xếp từ 3 xã thành 1 xã.
Trong quá trình sắp xếp, các địa phương cũng đã nảy sinh khó khăn cần giải quyết. Thứ nhất, vừa qua, các xã đều tiến hành xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng các tiêu chí khang trang hiện đại. Khi hợp nhất từ 3 xã, hoặc 2 xã thành 1 xã thì những hạng mục đầu tư này nếu không có phương án sử dụng tốt, sẽ gây lãng phí. Cùng với đó, việc nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới lại tăng lên ở những xã sau khi hợp nhất.
Thứ hai là việc sắp xếp tổ chức bộ máy cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Sau khi hợp nhất, đã dư dôi một lượng khá lớn cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách; phải tiến hành sắp xếp sao cho phù hợp với năng lực, sở trường và không dẫn đến tình trạng xáo trộn, không phát huy hiệu quả, dẫn đến làm việc thiếu thống nhất trong đội ngũ cán bộ.
Trước những khó khăn như vậy, địa phương đã có những giải pháp gì để đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế địa phương, thưa ông?
Trước những khó khăn nảy sinh trong quá trình hợp nhất các xã, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về hợp nhất các xã. Cùng với đó nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ trong quá trình làm việc của cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính mới nhằm giải quyết tốt những thủ tục hành chính để chuyển đổi giấy tờ có liên quan đến nhân thân của người dân trong việc chuyển từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới và đảm bảo thông suốt tất cả các hoạt động trong đời sống, xã hội mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của người dân, doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo các huyện, xã tập trung rà soát, đánh giá lại hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế như trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa để có phương án sử dụng có hiệu quả nhất, tránh bị lãng phí. Đồng thời ở những xã trước khi hợp nhất đi lại khó khăn; sẽ tiếp tục đầu tư để tạo sự kết nối giao thông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các xã trong quá trình hoạt động.
Thứ ba, tiếp tục tập trung chỉ đạo việc sắp xếp đội ngũ cán bộ xã và người hoạt động không chuyên trách. Đối với người hoạt động không chuyên trách, sau khi hợp nhất lại thì số người phải giảm đi chứ không phải là cộng dồn tất cả số lượng cán bộ lại. Đặc biệt,chúng tôi gắn việc sắp xếp này với quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2020 - 2025,
Theo khảo sát ở các địa phương thực hiện sáp nhập, khó khăn lớn nhất chính là giải quyết đội ngũ cán bộ dôi dư. Đặc biệt, sau Đại hội sẽ có một bộ phận cán bộ nếu không thể sắp xếp được công việc, địa phương đã có phương án gì để giải quyết chế độ chính sách cho những đối tượng này, thưa ông?
Hiện nay chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn riêng một số điểm cần lưu ý trong việc tổ chức Đại hội Đảng bộ cấp xã, sắp xếp ĐVHC cấp xã mới hợp nhất; trong đó có giải pháp về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ.
Trong năm 2019, Hội đồng nhân tỉnh Hải Dương đã thông qua một số chính sách nhằm hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách của tỉnh đối với những cán bộ xã không đủ điều kiện để tiếp tục công tác, hoặc tự nguyện xin nghỉ công tác nhưng do thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ để được hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm theo quy định thì tỉnh hỗ trợ thêm một phần kinh phí.
Cùng với đó, chúng tôi cũng có những hỗ trợ thêm đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách nghỉ công tác do việc sắp xếp dư thừa không thể bố trí được việc làm.
Ông có kiến nghị gì với Trung ương về các chính sách hỗ trợ để việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC đạt hiệu quả như mong đợi?
Thời gian qua, không chỉ ở Hải Dương, mà một số tỉnh, thành phố cũng đã tiến hành hợp nhất các ĐVHC cấp xã, cấp huyện và cũng đặt ra rất nhiều vấn đề như tôi nêu ở trên. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Trung ương sớm có sự đánh giá tổng kết bước đầu những gì là thuận lợi, khó khăn và những gì đặt ra về giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo cũng như về chế độ chính sách.
Chúng tôi cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu để có chế độ chính sách riêng mang tính chất đặc thù cho đội ngũ cán bộ, cơ sở những đơn vị hành chính cấp xã mới hợp nhất để động viên họ do điều kiện sắp xếp phải tinh giản biên chế, hoặc xin nghỉ công tác; giúp họ thấy thoải mái về tư tưởng, không thấy bị thiệt thòi trong quá trình bố trí cán bộ.
Có ý kiến cho rằng những cán bộ làm việc ở đơn vị mới sáp nhập khối lượng công việc nhiều hơn thì cần có chế độ riêng, quan điểm của ông như thế nào?
Tôi không đồng tình với quan điểm này, thực ra thì khi hợp nhất các ĐVHC cấp xã mới về quy mô lớn hơn đơn vị hành chính cấp xã cũ. Tuy nhiên nó cũng tương đồng với những đơn vị chính cấp xã khác đã và đang hoạt động bình thường. Cho nên đối với cán bộ những đơn vị này ban đầu có vất vả do phải thực hiện khối lượng công việc lớn, nhưng sau một thời gian công việc ổn định thì nó cũng tương đồng như các xã khác.
Chúng ta không nhất thiết phải có chế độ chính sách riêng cho các đơn vị này. Hơn nữa hiện nay đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi hợp nhất thì số lượng cấp phó cũng nhiều như: Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch HĐND xã được Trung ương cho phép là có số lượng lớn hơn số lượng quy định. Cho nên số lượng cán bộ công chức những xã sáp nhập lớn hơn những xã không phải hợp nhất, không nhất thiết phải có chế độ riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Video về người dân xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đánh giá về việc cải cách thủ tục hành chính sau khi xã sáp nhập: