Tính đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã thẩm định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của toàn bộ 39 địa phương gửi về để trình Chính phủ cho ý kiến trước khi chuyển sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, vướng mắc lớn nhất hiện nay vẫn là giải quyết cho số cán bộ, công chức dôi dư.
Giảm 6 huyện, 564 xã và gần 10.000 cán bộ, công chức
Chỉ còn 20 ngày nữa là hết hạn thẩm định, phê duyệt Đề án sáp nhập huyện, xã của các địa phương. Vậy tiến độ thẩm định, phê duyệt các đề án đến nay như thế nào, liệu có đúng tiến độ đề ra, thưa Thứ trưởng?
Hiện nay, đề án sáp nhập huyện, xã của các địa phương đã cơ bản hoàn thiện, Bộ Nội vụ đã thẩm định xong đề án của 39 tỉnh, thành phố đã gửi về, đảm bảo tiến độ đề ra. Bộ đã trình Chính phủ hồ sơ đề án của 31 tỉnh và Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hồ sơ đề án của 23 tỉnh.
Đề án của 10 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Yên, Điện Biên, Bình Thuận đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Vấn đề là từ nay đến cuối tháng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian họp, thông qua các nghị quyết để các địa phương thực hiện.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, có 45 tỉnh, thành phố thực hiện việc sắp xếp, qua đó sẽ giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 564 đơn vị hành chính cấp xã. Khi kết thúc đợt sáp nhập này sẽ giảm gần 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 6.000 người hoạt động không chuyên trách.
Hiện còn 6 địa phương chưa gửi hồ sơ đề án, gồm: Hà Nội, Thái Bình, Cần Thơ, Khánh Hòa, Kiên Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Hà Nội vừa họp xong HĐND thành phố, đang hoàn thiện tờ trình để gửi về Bộ Nội vụ. HĐND tỉnh Thái Bình họp ngày 11/12 để thông qua đề án. Tỉnh Kiên Giang dự tính sắp xếp một xã theo diện khuyến khích khi thành lập thành phố Phú Quốc. Còn UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản đề nghị lùi thời hạn sắp xếp trong năm 2020, sau khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ Nội vụ báo cáo có hơn 9.600 cán bộ, công chức dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã (số liệu tổng hợp theo báo cáo của 38/45 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp). Hướng xử lý đối với số cán bộ dôi dư này thế nào?
Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức dôi dư. Cứ hình dung người ta đang làm việc, mỗi cán bộ, công chức đều đang ở một vị trí công tác, khi tiến hành sáp nhập phải sắp xếp lại, phải thay đổi vị trí công tác, có trường hợp phải giải quyết cho nghỉ, cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế. Vì vậy, cần phải tiến hành và giải quyết làm sao cho có lý, có tình, được cả cái chung và cái riêng.
Sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ giúp tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm được số lượng lớn cán bộ, công chức cấp xã, giảm được gánh nặng của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư phải sao cho thỏa đáng, thông qua việc xem xét tuyển chọn, bố trí những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn vào các vị trí còn thiếu ở các đơn vị hành chính khác, ở các sở, ngành, hoặc giải quyết tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển công tác khác…
Việc sắp xếp này được thực hiện theo các chính sách đã được ban hành, đang có hiệu lực. Các địa phương khi xây dựng đề án sắp xếp đều phải có phương án giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư cụ thể, trên cơ sở đó, Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Bên cạnh nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương căn cứ vào đề án đã được phê duyệt để thực hiện sẽ đảm bảo giải quyết được vấn đề về cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp. Ngoài ra, tùy theo khả năng ngân sách địa phương, các tỉnh, thành phố còn có khoản hỗ trợ thêm cho những người không được tiếp tục bố trí công tác, để họ đi tìm công việc mới.
Đây là dịp phân loại, đánh giá cán bộ
Thưa Thứ trưởng, đây có phải là dịp để sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức?
Sáp nhập huyện, xã cũng là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức. Ai làm được việc thì bố trí vào bộ máy mới; ai làm việc được mà không bố trí được vào bộ máy mới thì có cơ hội vào cơ quan cấp huyện, sở, ngành. Với những người không làm được việc, đây là dịp phân loại, đánh giá cán bộ, để thực hiện các chính sách đã ban hành như tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, không đủ điều kiện tái cử thì chờ đến tuổi nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Nói đến việc sáp nhập, không ít ý kiến lo ngại tình trạng chạy chọt để giữ “ghế”?
Việc này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đang thực hiện trách nhiệm nêu gương, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ (quy định 205 của Bộ Chính trị) lồng vào việc thực hiện sáp nhập huyện, xã thì sẽ ngăn chặn được tình trạng chạy chọt, đồng thời lựa chọn được người xứng đáng giữ các vị trí trong bộ máy mới sau khi sáp nhập, sắp xếp. Hơn nữa, khi yêu cầu công việc cao như vậy, những người tiến thân bằng con đường chạy chọt có muốn xử lý công việc cũng không thể làm được.
“Ghế” thì không ai bị mất cả. Ai cũng đều có chỗ đứng của mình dưới ánh nắng mặt trời. Tư duy lo “mất ghế” bây giờ đã cũ và cổ quá rồi, bởi chúng ta không làm ở chỗ này sẽ làm ở chỗ khác. Lo ngại mất vị trí, người đang làm lãnh đạo, quản lý lại xuống chuyên viên cũng không có. Khi sáp nhập, mỗi đề án đều có phương án bố trí số lượng cấp trưởng, cấp phó trong từng đơn vị hành chính theo đúng quy định, số dôi dư (kể cả lãnh đạo) đều được tính toán để bố trí, giải quyết phù hợp.
Vấn đề khó nhất hiện nay là việc lựa chọn từ 2, 3 chủ tịch, bí thư xuống còn 1, trong đề án các địa phương có đề cập đến hướng giải quyết việc này? Có nơi nào đề cập đến việc thi tuyển cạnh tranh giữa các lãnh đạo ở nơi sáp nhập, thưa Thứ trưởng?
Việc này thực hiện trên cơ sở đánh giá phân loại đội ngũ, có vai trò của cấp ủy Đảng, công tác cán bộ của Đảng. Khi sắp xếp lại, họ phải đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ ở đơn vị được sắp xếp, ai làm được việc, ai không, ai cần đào tào bồi dưỡng thêm. Trên cơ sở đó để bố trí. Còn những người đang cấp trưởng như chủ tịch, bí thư xã thường được xem xét, nếu không được bố trí làm người đứng đầu đơn vị mới thì bố trí vào các cơ quan khác từ cấp huyện trở lên. Trong thực tiễn đề án của các địa phương là giải quyết theo hướng đó, còn tự nhiên đang làm trưởng xuống làm phó thì khó, cũng có trường hợp cấp trưởng xuống phó nhưng không nhiều.
Cơ hội để chính quyền địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Một số địa bàn quá rộng, ở khu vực vùng xâu, vùng xa, đi lại khó khăn, Thứ trưởng có cho rằng khi tiến hành sáp nhập huyện, xã sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương cũng như gây khó cho người dân?
Hiện chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, công nghệ thông tin được áp dụng rất mạnh mẽ trong hoạt động của chính quyền địa phương. Vì vậy, địa bàn quản lý xa nhưng nếu đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện tốt ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tốt những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì hiệu quả làm việc của chính quyền địa phương trong quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội cũng như phục vụ cho người dân sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn. Việc các đơn vị hành chính sáp nhập lại có diện tích tự nhiên rộng hơn không phải là vấn đề gây khó khăn hay băn khoăn cho công tác quản lý trong điều kiện hiện nay.
Nhận định như vậy có lạc quan quá không, bởi những ứng dụng về công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử vẫn cần một thời gian nữa mới triển khai sâu rộng được vào thực tiễn cuộc sống?
Đây không phải là lạc quan, mà là thực tế. Trong quá trình chúng ta đang thực hiện thông điệp của Chính phủ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân và ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, việc sáp nhập này tác động trở lại, buộc phải đẩy mạnh nhiều hơn nữa, nếu muốn làm việc được. Nếu không, anh sẽ không vượt qua được thách thức.
Khi sáp nhập, bắt buộc bộ máy chính quyền địa phương phải chuyển động theo, tiếp cận và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của các cơ quan, trong việc giao tiếp với người dân, không nhất thiết buộc người dân phải đến trụ sở. Việc sáp nhập này không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để chính quyền địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh cải cách, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của mình. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!