Trước thực trạng đó, công tác thu hồi tài sản thất thoát từ những vụ án này đã có những chuyển biến tích cực bởi sự phối hợp chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu giải quyết vụ án của các cơ quan điều tra, tố tụng.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, chỉ tính riêng các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo từ năm 2014 đến 2018, các đơn vị nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an và các cơ quan liên quan kịp thời xác minh, áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… nhằm thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, các tổ chức kinh tế và cá nhân đã bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án. Theo đó, cơ quan chức năng đã thực hiện thu giữ, kê biên, phong tỏa lượng tài sản có trị giá trên 13.000 tỉ đồng.
Điển hình như trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thực hiện kê biên và phong tỏa gần 200 bất động sản, hơn 24 triệu cổ phần, cổ phiếu các loại và hơn 30 tỉ đồng của nhóm cổ đông Phú Mỹ của bị cáo Hứa Thị Phấn và của nhóm nhà đầu tư Phương Trang. Số tài sản có trị giá ước tính trên 10.000 tỉ đồng để đảm bảo thi hành án.
Trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam, cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 6.000 tỉ đồng. Trong vụ Trần Phương Bình và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, cơ quan chức năng đã thu hồi, kê biên và phong tỏa số tài sản trị giá hơn 2.000 tỉ đồng. Trong các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phong tỏa số tiền 250 tỉ đồng, kê biên 25 bất động sản của Phan Văn Anh Vũ tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh được định giá ước tính là 1.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, nhiều vụ án tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt đã được thu hồi ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin, trước khi khởi tố vụ án. Cụ thể là trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua cổ phần của Công ty AVG, trước khi khởi tố vụ án cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 8.500 tỉ đồng. Theo một lãnh đạo của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có được những kết quả tích cực trên là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo và sự thay đổi trong nhận thức khi giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ của Kiểm sát viên, Điều tra viên.
Trước đây, các cơ quan điều tra, tố tụng thường chỉ tập trung vào việc tìm kiếm chứng cứ định tội các bị can chứ chưa chú trọng công tác xác minh tài sản. Đến khi vụ án được xét xử, bản án có hiệu lực, công tác thu hồi tài sản đạt được hiệu quả thấp do trong thời gian trước các bị can, bị cáo đã tẩu tán tài sản trước khi bị khởi tố điều tra. Hiện nay, công tác này được chú trọng ngay từ lúc khởi tố vụ án, thậm chí là ngay từ lúc giải quyết tin báo.
Bên cạnh đó, những sửa đổi về pháp luật trong thời gian gần đây đã cho thấy sự thay đổi về chính sách theo hướng coi trọng hơn yêu cầu thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Ví dụ như, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, tội “Nhận hối lộ” mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm sẽ được giảm án xuống hình phạt tù chung thân (Điều 40). Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng có nhiều quy định bổ sung liên quan đến kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức như: Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung; bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai; kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc.
Đa dạng hóa các biện pháp thu hồi tài sản
Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng khối lượng tài sản phải thu hồi còn rất lớn so với số đã thu hồi trên thực tế. Theo Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp), trong 10 tháng năm 2019, tổng số thụ lý là hơn 264.000 tỉ đồng, tăng 39,19% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả đã thi hành xong hơn 43.000 tỉ đồng, tăng 73,24% so với cùng kỳ năm 2018; đạt 26,87% (tăng 2,44% so với cùng kỳ năm 2018). Có thể thấy, dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp, phối hợp đồng bộ nhưng công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ vẫn rất khó khăn do thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong vụ án.
Theo ông Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ 3 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ cần có khung pháp lý hoàn thiện. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thu hồi tài sản là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các quy định về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát lại chưa có các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cụ thể; chưa có cơ chế công nhận lệnh, quyết định của Tòa án hay cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc ban hành các lệnh, quyết định theo yêu cầu của các cơ quan này. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý trong thu hồi tài sản với trọng tâm là xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước có đông người Việt Nam sinh sống hoặc có quan hệ kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân nhiều với nước ta.
Bên cạnh đó, các biện pháp thu hồi tài sản cần được đa dạng hóa. Theo ông Tiến, các nước có hiệu quả cao trong thu hồi tài sản như Australia, Singapore đều có áp dụng biện pháp thu hồi tài sản không phụ thuộc vào kết án hình sự, còn gọi là thu hồi dân sự. Cụ thể, cơ quan thực thi pháp luật đề nghị Tòa án ban hành các lệnh kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tịch thu… bằng việc đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản đó có nguồn gốc bất hợp pháp, không phụ thuộc vào việc người bị nghi ngờ có bị kết tội hay không và trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản là của đối tượng sở hữu. Ở Việt Nam, các biện pháp phong tỏa, kê biên chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án, trong khi thực tế nhiều vụ án các đối tượng là người có chức vụ, có nhiều mối quan hệ đã kịp tẩu tán tài sản trước khi khởi tố vụ án. Nếu được áp dụng, đây có thể là giải pháp đột phá giúp nâng tỷ lệ tài sản thu hồi.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cần có sự phối hợp liên ngành giữa các lực lượng Công an, Kiểm sát, Thanh tra, Kiểm toán, Thuế… Đồng thời, Việt Nam cần tích cực tham gia các cơ chế hợp tác chính thức (hợp tác chính phủ) và phi chính thức trong thu hồi tài sản. Hiện có nhiều cơ chế hợp tác phi chính thức rất hiệu quả mà Việt Nam cần tích cực tham gia như Nhóm hợp tác chống rửa tiền châu Á - Thái Bình Dương (APG), Mạng lưới liên cơ quan về thu hồi tài sản do phạm tội mà có thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARIN - AP), Mạng lưới các cơ quan tình báo tài chính (Egmont Group)...