Tại phiên chất vấn, nêu dư luận cho rằng các nước đang bị Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt vấn đề, sự gian lận thương mại này dẫn đến nguy cơ, hệ lụy là Việt Nam sẽ bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Đặc biệt, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo cơ chế phòng vệ thương mại có danh mục 25 mặt hàng được cảnh báo có nguy cơ bị gian lận thương mại. “Nói đó là nguy cơ vì chúng ta chưa có cơ sở, cần các cơ quan chức năng giám sát và kiểm tra thực tế trong các hoạt động thương mại quốc tế mới có thể phát hiện những hoạt động gian lận này gian lận này”, Bộ trưởng Công Thương cho biết. Nhấn mạnh cần phải ngăn chặn các hoạt động gian lận ngay từ việc đầu tư bất hợp pháp, Bộ trưởng Công Thương cho rằng, cần sự phối hợp của các cơ quan trong giám sát thực hiện. Tới đây Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Tư pháp để rà soát lại vấn đề pháp lý, đảm bảo văn bản pháp quy được ban hành.
Đại biểu chất vấn, Bộ Công Thương làm gì để ổn định thị trường đường cũng như bảo vệ và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành kinh tế nông nghiệp nói chung, bảo vệ người nông dân trồng mía và doanh nghiệp mía đường trong nước nói riêng? “Chúng tôi cam kết với Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có những giải pháp cụ thể và kịp thời. Trong đó có cả đấu tranh chống buôn lậu, ngăn chặn nhập khẩu đường gian lận vào Việt Nam cũng như bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý cho ngành sản xuất nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết.
Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương sáng 7/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Lưu ý về nguy cơ thiếu điện trong những năm tới do nhiều dự án lớn chậm tiến độ, từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp về điều chỉnh quy hoạch ngành điện và giải quyết vướng mắc về cơ chế huy động đầu tư.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư phát triển của ngành điện; đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn.
"Về huy động cho đầu tư đường truyền tải điện thì đang vướng Luật Điện lực. Luật Điện lực có quy định là Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư, mà là độc quyền quản lý. Còn vấn đề đầu tư phải huy động các nguồn vốn xã hội. Vấn đề này phải rõ như vậy", Phó Thủ tướng nói. Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng Nhà nước độc quyền quản lý về đường truyền tải điện thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng cũng đồng thời phải tạo cơ chế, chính sách cho huy động đầu tư các nguồn vốn khác.
Sau khi kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã đăng đàn giải đáp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu.
Về việc thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay, qua dư luận báo chí, phản ánh của đồng bào cử tri cả nước, nhất là cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận “thấy rất phiền hà” trong vấn đề văn bằng, chứng chỉ. Không phải riêng về thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức, Bộ trưởng cho rằng quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu 7 bằng cấp , tiêu chuẩn, điều kiện, Bộ trưởng bày tỏ: “tôi thấy nó nhiều quá”.
Giải thích cho bất cập này, Bộ trưởng cho hay đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm, “tôi nghĩ là hai mươi mấy năm rồi phải sửa”. Ông Lê Vĩnh Tân thay mặt Bộ Nội vụ nhận khuyết điểm này: “một quyết định để hai chục năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết trước Quốc hội năm 2020 sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay và chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào”.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng các chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng có nhiều cách tháo gỡ như tổ chức thi tin học, ngoại ngữ trên máy tính, sát hạch bằng tiếng Anh; đồng thời khẳng định sẽ đưa vào triển khai các phương pháp này để loại bớt thủ tục hành chính hiện đang quá nhiều.
Riêng vấn đề tin học, ngoại ngữ, Bộ trưởng làm rõ thêm trước các đại biểu: “Trong Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 đã nói rất rõ về tiêu chuẩn văn bằng ngoại ngữ là phù hợp với từng vị trí việc làm. Chúng ta quy định về tuyển dụng công chức bằng cấp bằng ngoại ngữ là như nhau, chỉ là từng vị trí phải có chứng chỉ, văn bằng, bằng cấp khác nhau”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay sắp tới các quy định này sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng phù hợp hơn, đặc biệt nhằm thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, “ tức là phải có một số tỷ lệ nhất định làm việc trong môi trường quốc tế”.
Theo Bộ trưởng, cần quy định tiêu chuẩn cho từng chức danh cụ thể: “Chúng tôi kiến nghị từ cấp vụ trở lên chúng ta phải đạt trình độ ngoại ngữ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trong môi trường quốc tế.
Liên quan đến câu hỏi về chủ trương tinh giản biên chế với việc bảo đảm yêu cầu về số lượng giáo viên đứng lớp và số cán bộ y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng đề nghị các tỉnh trước hết phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp. Một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công.
Đối với các trường lớp, thực hiện theo Nghị quyết 19, một trường có nhiều cấp học, phải giảm tỷ lệ gián tiếp quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống và số trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ, giảng dạy là phải đạt 65%.
Ông cũng đề nghị các bộ, ngành trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiến hành xây dựng lại định mức, sắp xếp, cơ cấu lại, nhất là xây dựng lộ trình để tiến tới tự chủ và xã hội hóa trong các lĩnh vực, để thực hiện mục tiêu cơ bản của khối đơn vị sự nghiệp công lập là giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực tế về tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra ở nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Theo đại biểu, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục.
Về việc siết chặt kỷ luật công vụ, mạnh tay xử lý các sai phạm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Bộ trưởng chất vấn: Trong sửa đổi Luật Cán bộ công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất nào mạnh hơn, khắc phục được những tồn tại đã nêu?
Về vấn đề tham nhũng vặt, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng Tổ kiểm tra công vụ trong việc kiểm tra đối với các địa phương nên công tác này đã được thực hiện rất quyết liệt.
Vấn đề tham nhũng vặt, gây khó dễ và sách nhiễu cũng là một nội dung kiểm tra của tổ công tác của Bộ Nội vụ. “Tham nhũng vặt như lỗ nhỏ gây đắm thuyền, rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp. Hậu quả là cộng nhiều lỗ nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn rất nguy hiểm”, Bộ trưởng khẳng định.
Ông Lê Vĩnh Tân cho hay, thời gian qua Chính phủ ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Quyết định đã được triển khai rộng rãi và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương cần xây dựng chương trình hành động để triển khai Đề án này, trong đó có phong trào thi đua của năm 2019 về phát động xây dựng văn hóa công sở: “bây giờ chúng ta phải làm sao để cán bộ, công chức thực sự là người công bộc làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao… Tinh thần này phải được thắp lên…”.