Đại biểu Bùi Văn Phương cho biết: Điều rất đáng mừng là việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ma túy, tín đụng đen và phòng chống tham nhũng đã được "người dân ghi nhận”.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, hầu hết sau khi xem lại các vụ việc, ông đều nhận thấy một Nhà nước pháp quyền, bất luận làm điều gì cũng phải tuân thủ pháp luật, không thể làm ngoài luật pháp và không thể đứng trên luật pháp.
Những vụ việc tham nhũng nổi cộm như vụ án ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ là một bài học cho tất cả những người có liên quan. “Có một thời gian dài công tác phòng chống tham nhũng bị lỏng lẻo, đó là do có một bộ phận cán bộ đã đứng trên luật pháp, họ thích làm gì thì làm… Nhưng sau khi xử lý một loạt vụ việc đã thấy rằng một Nhà nước pháp quyền không ai được sống ngoài pháp luật. Đấy là điều tác động rất lớn”, đại biểu Bùi Văn Phương khẳng định.
Trong lĩnh vực tín dụng đen, thời gian vừa qua các cơ quan tư pháp, công an đã bắt giữ rất nhiều vụ việc, đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tội phạm lĩnh vực này “sa lưới”.
Video đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội về nạn tín dụng đen:
“Ngân hàng cho vay từ 8-12% mà các doanh nghiệp vẫn còn đang khó khăn. Thế nhưng tín dụng đen lại cho vay với mức lãi suất rất cao thì làm sao kinh doanh có hiệu quả. Theo tôi đây là kẽ hở rất lớn. Tôi kiến nghị Nhà nước phải xem xét lại việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, mặc dù điều kiện kinh doanh của các công ty này là kinh doanh có điều kiện nhưng họ vẫn ngang nhiên dán tờ rơi khắp nơi một cách công khai”, đại biểu Bùi Văn Phương nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính phủ đánh giá lại mô hình các công ty tài chính với nhiều tên rất hay, mỹ miều như Công ty cho vay hỗ trợ tiêu dùng, Công ty cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên, cho vay cầm đồ… mà bản chất đằng sau là cho vay nặng lãi.
“Tôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả của mô hình kinh doanh này có thực sự tác động đến phát triển kinh tế - xã hội hay không, có đúng là đem lại việc làm cho người lao động hay không, có tác động đến tăng trưởng kinh tế hay không và có đóng góp cho ngân sách Nhà nước hay không hay lại là nơi dung dưỡng để cho các hình thức tội phạm ẩn nấp”, đại biểu Bùi Văn Phương nêu ý kiến.
Ủy viên Ủy ban tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Nếu nó không thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội thì Nhà nước cần phải thắt chặt vấn đề này, không thể để mô hình như vậy được. Cần phải đánh giá lại giữa cái được và cái mất để có thể đưa ra một kết luận chính xác. Tôi cũng kiến nghị Nhà nước cần phải xem xét làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nguồn tín dụng chính thức để tránh để người dân rơi vào đường cùng tìm đến tín dụng đen”.