Cơ quan thi hành án dân sự cả nước thi hành xong về tiền đạt hơn 75 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 64% so với năm 2021. Trong đó, thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù số lượng án tham nhũng, kinh tế chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 5-7% của cả nước), tuy nhiên lượng tiền lại chiếm tỷ trọng rất cao, khoảng 80 - 88% cả nước.
Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa cho biết, năm 2020, Cục Thi hành án dân sự Thành phố thu hồi được 13,2 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, dù có 7 tháng dịch bệnh, số thu vẫn đạt trên 3 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, thu hơn 14,7 nghìn tỷ đồng, chiếm gần như tuyệt đối trong hệ thống thi hành án.
Kết quả này có được, theo ông Nguyễn Văn Hòa là do sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự. Đặc biệt, Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên họp trực tuyến hằng tháng, thậm chí hằng tuần; khảo sát trực tiếp để tháo gỡ khó khăn giúp Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan. “Nếu không có sự phối hợp, không thể xử lý được các vấn đề, vì tính chất vụ việc đặc biệt phức tạp. Đối tượng phạm tội phải thi hành án trình độ dân trí cao, nguồn gốc tài sản, nguồn tiền không rõ ràng. Việc mua các dự án, bất động sản, cổ phần, cổ phiếu phần lớn đều nhờ người thân đứng tên. Giai đoạn điều tra khai ngay để kê biên, phong tỏa nhưng đến lúc thi hành án lại phủ nhận tài sản không phải của mình”, Quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ.
Nêu lên kinh nghiệm, cách làm hay tại địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, Cục đã cử cán bộ thi hành án trực tiếp theo dõi các phiên tòa đại án để nắm rõ dòng tiền, giấy tờ, đối chiếu số liệu nên khi ra bản án sẽ tương đối khớp.
Là đơn vị dẫn đầu khu vực thi đua Bắc Trung bộ đối với kết quả thi hành án dân sự về tiền, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã triển khai các giải pháp toàn diện; trong đó tập trung chỉ đạo thi hành các vụ việc trọng điểm; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng; rút ngắn thời gian thi hành án; giảm thiểu vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự.
Theo đó, kết quả thi hành về việc đạt 86,2% (tăng 2,22% so với năm 2021); về tiền thi hành xong hơn 817 tỷ đồng, tăng hơn 362 tỷ đồng (tăng 79,65%) so với năm 2021.
Ông Hoàng Văn Truyền, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cục đã tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ xử lý nợ xấu trong thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tập trung nguồn lực để giải quyết từng vụ việc cụ thể, kịp thời nắm bắt, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; giám sát chặt chẽ việc thẩm định, đấu giá tài sản kê biên theo thẩm quyền.
Những nỗ lực, cố gắng của từng địa phương đã đóng góp vào thành công chung của toàn ngành. Biểu dương những kết quả mà toàn hệ thống đã đạt được, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, kết quả thi hành án xong về việc, về tiền đạt cao nhất trong 5 năm trở lại đây, vượt các chỉ tiêu của Quốc hội; chú trọng tới công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Công tác này đã được đồng chí Tổng Bí thư đánh giá rất cao tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng chỉ rõ: Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến công tác của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó xác định nhiệm vụ rất cụ thể đối với công tác thi hành án dân sự. Đó là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án, hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính.
"Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà hệ thống thi hành án dân sự cần tập trung trong thời gian tới, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, cùng chuyển mình mạnh mẽ với quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp", Bộ trưởng lưu ý.
Theo đó, trong năm 2023, toàn ngành triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, kết quả xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng; chủ động phối hợp, đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, tương trợ tư pháp về hình sự từ công tác điều tra, truy tố, xét xử đến giai đoạn thi hành án để đảm bảo hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Một giải pháp quan trọng được ngành đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Tòa án nhân dân các cấp trong việc chuyển giao bản án, quyết định và tài liệu kèm theo; kịp thời đính chính, giải thích bản án và xử lý tài sản chung của người phải thi hành án. Đặc biệt, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp trong việc kiểm sát công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, nhất là trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng và những khâu nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm.