Bà Trần Thị Phương Hoa đề nghị ngành Thi hành án dân sự cần kịp thời có những giải pháp khắc phục để công tác thi hành án địa phương có chuyển biến tốt hơn; đẩy mạnh giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và làm tốt công tác chuyển đổi vị trí công tác. Ngành Thi hành án dân sự địa phương cần đẩy mạnh công tác lãnh đạo, kiểm tra và có sự “mổ xẻ”, phân tích vấn đề đã xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của ngành Thi hành án dân sự thành phố đối với công tác thực thi pháp luật trên địa bàn và sự phát triển chung của thành phố; đồng thời nêu rõ, để có sự phát triển ổn định, ngành Thi hành án dân sự thành phố cần sớm đề ra giải pháp khắc phục công tác cán bộ, xử lý nghiêm trường hợp tham nhũng, tiêu cực; giải quyết tình trạng công chức lơ là, làm việc thiếu tập trung.
Theo Cục Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ, kết quả thi hành án dân sự năm 2022 về cơ bản đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra đầu năm. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Lãnh đạo một số Chi cục còn buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra, chỉ đạo toàn diện, năng lực điều hành còn hạn chế. Một số chấp hành viên, công chức thi hành án còn thiếu tập trung, chưa nỗ lực cao trong quá trình giải quyết án... Nguyên nhân là do khối lượng công việc tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi biên chế chưa tuyển đủ, tạo áp lực không nhỏ cho các cơ quan thi hành án dân sự.
Giải pháp chủ yếu được đưa ra là tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động thi hành án dân sự; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo nội bộ ngành; phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu cơ quan; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phân công lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa bàn có lượng án phải thi hành nhiều, có nhiều án lớn, phức tạp, những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; phấn đấu chấm dứt tình trạng chấp hành viên thiếu tích cực, kéo dài việc thi hành bản án, quyết định tòa án.
Ngành cũng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra, trong đó chú trọng kiểm tra, đôn đốc hoạt động của chấp hành viên, các cơ quan thi hành án dân sự quận, huyện; tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những sai phạm. Việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự hướng đến đảm bảo thi hành bản án đúng quy trình, áp dụng đúng pháp luật, rút ngắn thời gian giải quyết.