Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn: Nghị định 62 đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết các quy định của Luật Thi hành án dân sự, có nhiều điểm được sửa đổi, bổ sung so với các Nghị định hướng dẫn trước đây và áp dụng pháp luật của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 62 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng. Điều này thể hiện ở những điểm cơ bản như, tạo hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả hơn; cán bộ, công chức trong hệ thống thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động này.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục thi hành án được quy định cụ thể, dễ thực hiện hơn, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân tổ chức được nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Sơn dẫn việc Nghị định 62 đã quy định chi tiết 6 nội dung Luật sửa đổi, bổ sung giao cho Chính phủ quy định, trong đó có các nội dung cho thấy những hiệu quả tích cực, giải quyết những vấn đề lớn, giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho Nhà nước và nhân dân, như: Quy định về việc ra quyết định thi hành án tại điều 6, điều 7 Nghị định 62 đã khắc phục được tình trạng một số vụ án kinh tế, tham nhũng tài sản của Nhà nước không làm đơn yêu cầu thi hành án dẫn đến việc, mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không có căn cứ ra quyết định thi hành án, vô tình tạo điều kiện cho người phải thi hành bản án tẩu tán tài sản hoặc tài sản nhà nước không được thu hồi...
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, ngay sau khi Nghị định số 62 được ban hành, Bộ Tư pháp đã ban hành công văn chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương triển khai thực hiện. Trên cơ sở này, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đã chỉ đạo, quán triệt đến các đơn vị, cán bộ, công chức trong đơn vị về việc nghiên cứu các quy định của Nghị định để áp dụng thực hiện kịp thời, thống nhất và đồng bộ.
Một số Cục Thi hành án dân sự đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành các chỉ thị, kế hoạch triển khai thực hiện và tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định đến các cơ quan, tổ chức, nhân dân địa phương.
Đồng thời, Tổng Cục Thi hành án dân sự xây dựng chuyên đề về quá trình xây dựng quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của Nghị định 62 để tạp huấn nghiệp vụ cho công chức thi hành án dân sự trên toàn quốc vào những năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cũng cho biết: Báo cáo từ các cơ quan thi hành án dân sự địa phương cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay còn 58 nội dung khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định 62 của Chính phủ mà cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn chưa thống nhất được cách hiểu và biện pháp giải quyết do Nghị định 62 chưa hướng dẫn cụ thể hoặc quy định của Nghị định đã bị hết hiệu lực.
Trong 58 nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình hơn ba năm triển khai thực hiện này, có hai nhóm vấn đề với 39 nội dung Bộ Tư pháp đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Thi hành án dân sự phối hợp với các ban, ngành, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết. Trong đó, 19 nội dung pháp luật chưa quy định rõ hoặc cơ quan thi hành án dân sự địa phương còn hiểu chưa thống nhất thì sẽ nghiên cứu, thống nhất với các bộ, ngành Trung ương để ban hành văn bản hướng dẫn chung thực hiện thống nhất, trước khi cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ đối với 2 nhóm vấn đề với nhiều nội dung khác...