Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành Thi hành án dân sự. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tới dự chung vui với ngành thi hành án dân sự có: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trân trọng gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên lá cờ truyền thống của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Diễn văn kỷ niệm do Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành nêu rõ, hoạt động thi hành án là công đoạn cuối cùng, bảo đảm cho bản án, quyết định của tòa án được chấp hành, góp phần thượng tôn pháp luật. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, công tác thi hành án dân sự đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của cách mạng, sự phát triển của đất nước và không tách rời quá trình xây dựng và phát triển của ngành tư pháp, ngành tòa án qua từng thời kỳ, từng giai đoạn với những dấu mốc quan trọng.
70 năm qua, thể chế về công tác thi hành án dân sự cơ bản được hoàn thiện; kết quả thi hành án dân sự ngày càng cao, năm sau cao hơn năm trước và có xu hướng bền vững, cơ bản đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể như giai đoạn 2011-2015, toàn hệ thống đã thi hành xong 2 triệu 333 ngàn 329 việc, tương ứng về giá trị là 131 ngàn 326 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình là 88% về việc và 76% về tiền. Riêng năm 2015 đã tổ chức thi hành xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,09% và đã giải quyết xong trên 42.819 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76% về tiền. Tổ chức bộ máy, cán bộ hệ thống thi hành án không ngừng được củng cố, kiện toàn...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Thi hành án dân sự, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của ngành. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cũng cho biết, để thực hiện thành công mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống thi hành án dân sự đã xác định những nhiệm vụ cần tập trung triển khai, đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2016 và giai đoạn 2016 - 2021 đã được Quốc hội giao; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, các vụ án lớn, các vụ việc thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản Nhà nước, liên quan đến tín dụng, ngân hàng; thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về thực hiện chế định Thừa phát lại phù hợp với thực tiễn. Ngành tập trung xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thi hành án dân sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện về mọi mặt...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương, khen ngợi sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả, thành tích to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp nói chung, trong đó có hệ thống thi hành án dân sự, suốt chặng đường 70 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, hoạt động thi hành án dân sự ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực vào việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân... Trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước và cải cách tư pháp do Đảng ta lãnh đạo, hệ thống thi hành án dân sự đã có bước phát triển mạnh mẽ. Thể chế thi hành án dân sự ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những kết quả, thành tích to lớn của hệ thống thi hành án dân sự trong 70 năm qua đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Về nhiệm vụ của hệ thống thi hành án dân sự thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tới việc chú trọng quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về thi hành án dân sự; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật và cơ quan tư pháp; chủ động các điều kiện cần thiết bảo đảm công tác thi hành án dân sự có yếu tố nước ngoài, thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó là nhiệm vụ xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống thi hành án dân sự với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thi hành án dân sự tập trung, thống nhất theo ngành dọc; triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan liên quan chú trọng rà soát, hoàn thiện thể chế công tác thi hành án dân sự, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, khả thi của các văn bản pháp luật; đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và nhân dân.