Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 3/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày nêu rõ mục đích của việc sửa đổi, bổ sung các luật thuế lần này nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tập trung khai thác và tận dụng lợi thế của nền nông nghiệp, góp phần xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao; trong đó Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế; tiếp tục đảm bảo đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế...
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nước ta thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với thông lệ quốc tế đã cam kết, đang đàm phán và đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước; đảm bảo tính nhất quán, ổn định của chính sách; đồng thời cũng đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong ưu đãi đầu tư.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế. Ảnh: Doãn Tấn–TTXVN |
Mặt khác, các nội dung sửa đổi, bổ sung cũng sẽ khắc phục bất cập hiện hành, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đồng thời đảm bảo chính sách được áp dụng đồng bộ với những quy định của Luật Đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Khi thực hiện dự án luật nêu trên, ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng.
Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng; đồng thời khi sản xuất kinh doanh phát triển sẽ tăng thu trong trung và dài hạn. Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai hiệu quả các luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản, nhất là đối với những mỏ đã và đang hoạt động (khoảng 1.300 tỷ đồng/năm), đồng thời sẽ điều chỉnh giá bán khí theo giá thị trường đối với sản lượng khí trong bao tiêu để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan thẩm tra dự án luật, nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khắc phục những hạn chế của một số luật thuế và Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng 4 năm vừa qua Chính phủ nhiều lần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh các chính sách về thuế, dẫn đến hệ thống pháp luật thiếu ổn định, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ chưa tổng kết, đánh giá tác động của các chính sách này đến nền kinh tế, hệ thống các doanh nghiệp và đời sống của người dân. Theo Nghị quyết số 57/2013/QH13 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Quốc hội yêu cầu không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, ngay trong năm 2014, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật thuế này dự kiến mỗi năm giảm khoảng 5.700 tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 1.300 tỷ đồng và xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế khoảng 4.800 tỷ đồng là chưa phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội.
Băn khoăn về quyền yêu cầu thi hành án Cũng trong buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật phải bảo đảm đúng Nghị quyết số 45/2013/QH13 của Quốc hội, cụ thể hóa Hiến pháp 2013 và định hướng cải cách tư pháp. Theo đó, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết, vướng mắc nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, đề cao trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án và các cơ quan liên quan, mà chưa cần thiết phải sửa đổi toàn diện hoặc ban hành Luật Thi hành án dân sự mới.
Dự thảo Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.
Thảo luận về quyền yêu cầu thi hành án (các điều 7, 30, 31) có hai loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị giữ hai cơ chế như quy định của Luật hiện hành là cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, nhằm tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự (được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự), tạo điều kiện để họ lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án; đồng thời làm cơ sở pháp lý cho việc từng bước thực hiện xã hội hóa công tác thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại. Một số ý kiến đề nghị để bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án và cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, thì cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án mà không quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các đương sự thỏa thuận được việc thi hành án thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định chấm dứt việc thi hành án.
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN |
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại quy định đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Đại biểu phân tích khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành, trong trường hợp người phải thi hành án không chấp hành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng quyền lực buộc thi hành. Đại biểu nhấn mạnh ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... người dân nhận thức còn hạn chế, đi lại khó khăn, nếu không được tư vấn sẽ không biết quy định phải làm đơn yêu cầu thi hành án. Từ những băn khoăn này, đại biểu đề nghị không cần quy định có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người được thi hành án từ chối hoặc chỉ yêu cầu một phần, hoặc đã tự thỏa thuận thì mới phải làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng quy định này chưa phù hợp với Điều 106 của Hiến pháp quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Như vậy theo quy định này, nếu không có đơn thì cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành, đồng nghĩa với việc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật không được chấp hành, như vậy chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của công dân.
Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ thì việc giữ quy định về 2 cơ chế ra quyết định thi hành án (chủ động và theo đơn yêu cầu) như Luật hiện hành là phù hợp với tính chất, nguyên tắc tự định đoạt, tự thỏa thuận trong giải quyết các loại việc dân sự, tạo điều kiện, khuyến khích các bên giải quyết việc thi hành án, nhất là đối với trường hợp các đương sự là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng... đồng thời bảo đảm cơ sở để thực hiện chủ trương từng bước xã hội hóa công tác thi hành án dân sự. Ngoài ra, nếu bỏ quy định về đơn yêu cầu thi hành án thì phải mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung (gồm các điều, khoản có liên quan trong Luật Thi hành án dân sự và sửa đổi cả Luật Trọng tài thương mại và Luật Cạnh tranh), sẽ không phù hợp với yêu cầu đặt ra trong lần sửa đổi này.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về: Quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; kiểm sát việc thi hành án; tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên; quyền yêu cầu thi hành án...
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường theo chương trình.
Quỳnh Hoa