Kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII: Đánh giá hiệu quả tái cơ cấu kinh tế

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng đoàn giám sát trình bày tại phiên thảo luận, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, nhiều chính sách, văn bản về tái cơ cấu đầu tư công đã được ban hành, bước đầu góp phần khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán, thất thoát, lãng phí trong phân bổ, bố trí nguồn vốn và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư. Cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang tiếp tục được hoàn thiện, trong đó quy định rõ trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Sau hơn 2 năm triển khai tái cơ cấu, số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu đã cơ bản được kiềm chế và bước đầu được xử lý. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng đã được nâng lên. An toàn hệ thống ngân hàng đang dần được cải thiện.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa đối với hoạt động chuyển đổi mô hình doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương; cắt giảm nhanh chóng các khoản đầu tư ngoài ngành; tách bạch mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và doanh nghiệp; song song với đổi mới mô hình quản trị, tinh giảm biên chế; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp để việc tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp Nhà nước thực sự là bình mới và rượu cũng mới.

Đề xuất về giải pháp cải thiện hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng, cần chú trọng xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa; theo đó, các bộ, ngành dứt khoát không chủ quản đối với doanh nghiệp Nhà nước. Còn ở các địa phương chỉ sở hữu những doanh nghiệp công ích hoạt động phúc lợi xã hội tại địa phương.

Một số ý kiến đề nghị cần xây dựng một Đề án tái cơ cấu với các chỉ tiêu cụ thể, làm căn cứ giám sát, quy trách nhiệm.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, cần có một Đề án tổng thế tái cơ cấu đầu tư công với phương thức phân bổ tái cơ cấu hợp lý, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế; trong đó, chú trọng những ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Cần có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về tư duy và quan điểm trong tái cơ cấu đầu tư công.

Cho rằng mục tiêu tái cơ cấu còn rất chung chung, thiếu các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá, hiệu quả mang lại từ tái cơ cấu nền kinh tế rất khó phân định một khi mục tiêu, chỉ tiêu thiếu sự lượng hóa. Từ đó, cũng rất khó để xác định trách nhiệm và ràng buộc trách nhiệm. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có những biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là những yếu tố chủ quan trong quản lý, chỉ đạo, điều hành để nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế.

Nêu ý tưởng thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để chỉ đạo tái cơ cấu đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn đề nghị cần có sự trao đổi giữa các đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan của Chính phủ xung quanh nội dung giám sát. Theo đại biểu Minh, rất khó để hình dung kết quả tái cơ cấu kinh tế sẽ như thế nào trong bối cảnh tiến hành tái cơ cấu nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; nợ công ở mức cao.

Trong phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tự xây dựng đề án tái cấu trúc của ngành mình, lĩnh vực mình; trong đó, đặc biệt quan tâm đến khâu đổi mới cán bộ để từ đó, đổi mới cấu trúc, bộ máy.

Trình bày quan điểm đánh giá kết quả tái cơ cấu, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, kết quả tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang được thực hiện đúng lộ trình với những kết quả bước đầu góp phần tăng cường an toàn tài chính. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ hơn tiến trình xử lý nợ xấu bởi thời gian qua, nợ xấu tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. “Nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không thể chỉ là công việc của ngân hàng. Quốc hội, Chính phủ cần triển khai các giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề hệ trọng này”, đại biểu kiến nghị.

Đề cập đến tình hình hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC), các đại biểu cho rằng, mô hình VAMC đã bước đầu phát huy hiệu quả trên thực tế, nhưng nợ xấu cũ và nợ xấu mới vẫn có xu hướng tăng cao trong bối cảnh nguồn lực của VAMC còn hạn chế thì Chính phủ cần sớm có biện pháp nâng cao năng lực và khả năng quản trị của VAMC. Đại biểu kiến nghị xây dựng cơ chế mua bán nợ xấu theo giá thị trường, có quy chế, định giá nợ xấu để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường này.

Hiến kế những giải pháp cụ thể trong vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế; minh bạch hơn nữa trong sở hữu chéo; xây dựng quy chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương và cả các cơ quan tư pháp để giúp xử lý tài sản thế chấp, cầm cố một cách đơn giản nhất, nhanh chóng nhất, tạo thuận lợi cho ngân hàng thu hồi vốn. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng thương mại một cách chặt chẽ và trao quyền chủ động cho VAMC xây dựng thị trường mua bán nợ xấu để cải thiện tốc độ xử lý nợ xấu.

* Nêu một khái niệm mới về tái cơ cấu, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, cần đặt vấn đề tái cơ cấu đối với tổ chức, bộ máy và tái cơ cấu trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên, đảm bảo tuân thủ đúng tinh thần Hiến pháp và pháp luật. “Nhà nước không nên nắm những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm, nên mở rộng xã hội hóa, tái cơ cấu trách nhiệm cán bộ, công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Hiến mạnh mẽ.

Quang Vũ
Cử tri tin tưởng việc tái cơ cấu đầu tư nền kinh tế
Cử tri tin tưởng việc tái cơ cấu đầu tư nền kinh tế

Sáng 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội Nguyễn văn Giàu đã báo cáo về Tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành Ngân hàng và được cử tri cả nước quan tâm theo dõi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN