Trong đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hậu Giang cần chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị, địa phương trong thi hành án dân sự.
Theo ông Lê Tiến Châu, thời gian qua, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn một số vụ việc gặp khó khăn, vướng mắc nhưng các đơn vị chưa chủ động giải quyết; một số trường hợp việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án quá hạn quy định, tuyên chưa rõ, cần giải thích. Số lượng vụ việc thụ lý về việc và về tiền tăng so với cùng kỳ; kết quả thu hồi tiền của người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam còn hạn chế.
Theo Cục trưởng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Hậu Giang Lê Phước Toàn, trong thời gian tới, đơn vị sẽ chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, thay đổi lề lối, phương pháp làm việc trên tất cả các mặt công tác, nhất là kiểm tra, tự kiểm tra hồ sơ thi hành án, quản lý tài chính và trách nhiệm công vụ, công chức; không để xảy ra vi phạm tới mức phải kỷ luật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Cục tích cực tham mưu cho chính quyền, Ban chỉ đạo thi hành án địa phương và tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các việc thi hành án dân sự trọng điểm, phức tạp, kéo dài; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, phấn đấu giảm đơn thư khiếu nại; tập trung giải quyết triệt để đơn, thư khiếu nại, tố cáo tại chỗ. Cùng với đó, tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra toàn diện, chuyên đề, đột xuất; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài chính, tài sản được giao; thường xuyên kiểm tra biên lai thu tiền của chấp hành viên, kiểm tra số dư trên tài khoản, kiểm tra sổ quỹ, sổ kế toán.
Chín tháng năm 2020, kết quả thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Hậu Giang về việc phải giải quyết là 9.106 việc; trong đó số cũ chuyển sang là 4.031 việc, số thụ lý mới 5.075 việc. Số việc thi hành xong là 3.719 việc, đạt 51,28%. Số tiền thi hành xong là hơn 113 tỷ đồng, đạt 16,07%.