Ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024. Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến đảm bảo việc thực hiện quyền công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, UBND các cấp và được thực hiện trong thời gian dài.
Người dân đến làm thủ tục hành chính “một cửa” điện tử tại UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thành Long nhấn mạnh: Đăng ký và quản lý hộ tịch là một nhiệm vụ quản lý nhà nước quan trọng của tất cả các quốc gia trên thế giới, bởi đây không chỉ là thông tin đầu vào cho các quyết định về chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước mà còn bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và Công ước quốc tế.
Ở Việt Nam, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Thể chế trong lĩnh vực này đang được từng bước hoàn thiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chương trình nhằm bảo đảm tất cả các sự kiện hộ tịch của công dân Việt Nam, người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài được đăng ký kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng quy định của pháp luật. Mọi người dân đều được cấp giấy tờ hộ tịch tương ứng với sự kiện hộ tịch đã được đăng ký như: giấy khai sinh, trích lục khai tử, giấy chứng nhận kết hôn… Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Các chỉ tiêu cơ bản được công bố công khai, minh bạch, phù hợp với chỉ tiêu từng giai đoạn của Khung hành động khu vực về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2015 - 2024. Ngoài ra, Chương trình hướng tới thiết lập cơ chế phối hợp thống nhất giữa các ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương để từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động đăng ký, thống kê hộ tịch.
Các hoạt động chính được triển khai gồm: Xây dựng hệ thống thông tin hộ tịch điện tử, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung trên toàn quốc (có kết nối lấy số định danh cá nhân); cài đặt, hỗ trợ tập huấn, đào tạo công chức sử dụng phần mềm; đầu tư kinh phí trang bị cơ sở vật chất đồng bộ để chuyển đổi dữ liệu lịch sử (số hóa sổ giấy) và đào tạo công chức làm công tác hộ tịch.
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết: Toàn quốc hiện có 11.153 đơn vị hành chính cấp xã, trên 17.000 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã; 704 đơn vị hành chính cấp huyện với trên 3.100 công chức Phòng Tư pháp.
Tuy nhiên, mô hình tổ chức, quản lý công chức chưa hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Trong thời gian tới, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng bổ trợ; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch.