Với 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục, bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân, dự thảo Luật được chỉnh lý, bổ sung lần hai tập trung vào quy định về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất... Các quy định trên sẽ góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai, tạo động lực đưa nước ta phát triển bền vững. Liên quan đến chủ đề này, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Văn Phấn đã có cuộc trao đổi với báo chí.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi về chính sách nhằm thể chế hóa quan điểm, mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Dự thảo Luật đã thể chế hóa nội dung về cải cách thủ tục hành chính như thế nào, thưa ông?
Để tạo hành lang pháp lý giúp hoàn thành các mục tiêu đề ra về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật đã dành một chương quy định về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV) gồm 7 điều, sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều so với Luật Đất đai năm 2013.
Việc sửa đổi, bổ sung những nội dung này trong dự thảo Luật đã làm rõ hình thức nộp hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và ứng dụng công nghệ khi có các hình thức nộp: Trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy trình các cơ quan có liên quan xử lý thủ tục; nguyên tắc thực hiện thủ tục. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật; không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; quy định về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.
Dự thảo Luật cũng xác định rõ việc liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông tin đất đai với các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, kho bạc, cơ quan xây dựng và cơ quan Công an (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư),...
Nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế đối với các quy định về điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung những nội dung này theo hướng nào, thưa ông?
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình đánh giá, thống kê, kiểm kê đất đai, đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá đất đai nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đất, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai theo hướng cụ thể hơn. Cùng với đó, tách riêng về các nội dung điều tra, đánh giá đất đai như: Điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai; điều tra, đánh giá thoái hóa đất và nội dung điều tra, đánh giá ô nhiễm đất. Đồng thời, dự thảo Luật quy định cụ thể về bảo vệ cải tạo, phục hồi đất đai, quy định rõ hơn về tổ chức thực hiện điều tra đánh giá đất đai, trong đó nâng cao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và người sử dụng đất.
Về nguyên tắc thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và phạm vi, đối tượng thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, dự thảo Luật quy định: “Thống kê, kiểm kê đất đai được thực hiện đối với các loại đất theo phân loại đất trong dự thảo Luật; thống kê, kiểm kê đất đai theo đối tượng quản lý, sử dụng đất; một số chỉ tiêu khác để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; quy định việc kiểm kê đất đai chuyên đề về một số chỉ tiêu loại đất, loại đối tượng sử dụng đất, đối tượng được giao quản lý đất theo yêu cầu của quản lý nhà nước về đất đai trong từng thời kỳ”.
Như vậy, việc quy định thống kê, kiểm kê đất đai cụ thể theo từng loại đất, đối tượng sử dụng đất, đối tượng quản lý đất sẽ đảm bảo lượng hóa cụ thể được số lượng diện tích các loại đất theo phân loại đất, số lượng diện tích các loại đất do người sử dụng đất đang quản lý, sử dụng; số lượng diện tích các loại đất do tổ chức được giao quản lý đang quản lý. Việc lượng hóa cụ thể về diện tích đất đai nhằm phục vụ cho các cấp, các ngành định hướng phát triển kinh tế - xã hội, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả nước, phục vụ cho các ngành kinh tế khác.
Thời gian qua, vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được người dân và doanh nghiệp quan tâm. Vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những nội dung đổi mới gì đối với công tác cấp Giấy chứng nhận cho người dân, doanh nghiệp, thưa ông?
Để giải quyết những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do lịch sử để lại cũng như từ yêu cầu mới của thực tiễn, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế và hoàn thiện chính sách về cấp Giấy chứng nhận với những nội dung trọng tâm như: Quy định bắt buộc người đang sử dụng đất và người được giao quản lý đất để quản lý phải thực hiện việc đăng ký đất đai với cơ quan nhà nước; mở rộng thời gian xem xét giải quyết cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đến trước năm 2014 để giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất do ông/cha để lại nhưng không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 138). Dự thảo Luật đã bổ sung cho phép UBND cấp tỉnh quy định các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993 ngoài các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định trong dự thảo Luật Đất đai cho phù hợp với thực tiễn ở địa phương để giải quyết cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất (Điều 137). Về phân định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, dự thảo Luật đã tách bạch giữa việc xác lập tính pháp lý và cấp Giấy chứng nhận lần đầu do Cơ quan Nhà nước thực hiện.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định mở rộng thời gian xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất được giao trái thẩm quyền đến trước ngày Luật này có hiệu lực. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp người sử dụng đất đã nộp tiền tại thời điểm giao đất, đồng thời phải đáp ứng điều kiện đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng hoàn thiện, bổ sung quy định cấp Giấy chứng nhận cho các loại hình bất động sản mới nhằm đáp ứng công năng của công trình xây dựng trên đất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của xã hội như: Chung cư kết hợp văn phòng, căn hộ du lịch, căn hộ khách sạn… theo hướng công trình được tạo lập trên loại đất nào thì chế độ và thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận được xác định theo loại đất được giao (Điều 143 và Điều 149).
Để đảm bảo tính khả thi khi chính sách mới về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hiệu lực thi hành, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về một số nội dung khác như: Quy định về hình thức nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm của người sử dụng đất; tái cấu trúc các quy trình về cấp Giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông, chia sẻ dữ liệu có liên quan để sử dụng dữ liệu dùng chung khi giải quyết hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.
Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!