Bảo đảm chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 21/6, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, tập trung cho ý kiến là chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Đoàn Hội đồng nhân dân các tỉnh Hải Dương, Điện Biên dự phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chính sách phải tổng thể, toàn diện

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nhấn mạnh, đất ở, đất sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này phải góp phần bảo đảm để các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các hộ khó khăn có đất sản xuất, đất ở như mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đã đề ra (Nghị quyết 18).

Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, đối chiếu với Nghị quyết 18, Hiến pháp 2013 và yêu cầu thực tiễn, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề lớn. Cụ thể, quy định của dự thảo Luật chưa toàn diện, chưa thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết 18. Về đối tượng, Nghị quyết 18 đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ tập trung giải quyết cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, như vậy là hẹp hơn so với Nghị quyết 18.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 18 yêu cầu cần có chính sách ưu đãi về thuế nhưng dự thảo Luật chưa quy định rõ nội dung này.

Về quản lý sử dụng đất nông nghiệp, Nghị quyết 18 nêu cần có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất. Thực tế thời gian qua cho thấy, do trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều, một bộ phận hiểu biết pháp luật và xã hội còn hạn chế hoặc do bị lợi dụng dẫn đến không còn đất sản xuất, thiếu đất ở.

Quy định về vấn đề này, Khoản 1 Điều 49 dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa các quy định hiện hành, nhưng lại "lỏng" hơn so với quy định hiện hành. Cụ thể, Nghị định của Chính phủ quy định, sau 10 năm mới được chuyển nhượng và phải kèm theo điều kiện có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn cư trú. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định sau 10 năm, trừ trường hợp được xác nhận.

"Điều này có nghĩa là nếu có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn cư trú thì mặc dù chưa đến 10 năm sẽ vẫn được chuyển nhượng. Quy định như vậy quá "lỏng", dễ dẫn đến tình trạng thâu tóm đất đai, không đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 18", đại biểu Ngô Trung Thành chỉ rõ.

Ngoài ra, việc dự thảo Luật để Thủ tướng Chính phủ quy định khung chính sách về hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số là chưa hoàn toàn phù hợp. Theo đại biểu, vấn đề này phải thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội.

Từ những phân tích trên, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị, chính sách đất đai phải được áp dụng đối với tất cả đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất hoặc đất ở như mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 18 để không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải là chính sách tổng thể, toàn diện; cần quy định trách nhiệm của Nhà nước, những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể cho đồng bào; nghĩa vụ, trách nhiệm của đồng bào đối với Nhà nước, đối với đất đai được giao. Dự thảo Luật cần có quy định thu hồi đất của các nông, lâm trường hoạt động kém hiệu quả để giao lại cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất tại địa phương.

Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị quy định chính sách áp dụng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho phù hợp, đúng theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, thay vì chỉ giới hạn trong phạm vi địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đại biểu phân tích, đồng bào dân tộc thiểu số hiện cư trú ở trên 5.200 xã, trong khi vùng đặc biệt khó khăn chỉ có 1.500 xã. Các xã đặc biệt khó khăn hiện đang giảm hàng năm, trong khi thực tế đây vẫn là vùng khó khăn, diện đồng bào thiếu đất nằm ở cả các xã khu vực 1, khu vực 2 và các xã về đích nông thôn mới.

Bên cạnh đó, diện các xã đặc biệt khó khăn thay đổi theo từng năm và từng giai đoạn, có ra, có vào theo các tiêu chí quy định, nhất là về chuẩn nghèo, dẫn đến sự bất cập trong áp dụng chính sách.

Đáng chú ý, vùng đặc biệt khó khăn, phần lớn không còn có đất hoặc rất ít quỹ đất. Do vậy, việc cấp đất, giao đất cho người dân nhiều nơi là bất khả thi và cần có giải pháp phù hợp.

Có chính sách tài chính đất đai phù hợp với hộ nghèo

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum) đánh giá, đây là dự án Luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Dự thảo Luật cần quy định rõ về đảm bảo có đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, có chính sách ưu tiên, chính sách tài chính đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhằm thể chế hóa nội dung, có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, chính sách tài chính về đất đai phù hợp đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị sửa đổi Khoản 1, Khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được Nhà nước bảo đảm về đất ở, đất sản xuất... phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Ngoài các chính sách hiện hành, đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng, cần tạo thêm quỹ đất từ diện tích thực tế đang có của các địa phương và sử dụng đất để giải quyết nhu cầu sản xuất của các hộ gia đình đang thiếu đất sản xuất, trong đó tập trung vào quỹ đất nông nghiệp do xã, cộng đồng dân cư quản lý; đặc biệt là diện tích do các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý.

Theo đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang), việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Các công ty nông, lâm nghiệp không thực hiện sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả để đất đai lãng phí, bị lấn chiếm. Trong khi đó, đất nông, lâm trường thường là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh. Đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán ở đâu thì sản xuất ở đó. Tuy nhiên, hiện nay, họ rất thiếu đất sản xuất.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định vào Điều 79 dự thảo Luật về nội dung thu hồi đất nông, lâm trường, kể cả đất đã giao, cho thuê, nhưng các đơn vị không thực hiện sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích và phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông, lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.

Phan Phương (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Đảm bảo sử dụng hiệu quả đất công, hạn chế thu hồi đất tràn lan
Bên lề Quốc hội: Đảm bảo sử dụng hiệu quả đất công, hạn chế thu hồi đất tràn lan

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV dành cả ngày 21/6 để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN