Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Bên lề Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã có những chia sẻ với phóng viên báo chí về những nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong thu hồi đất
Nhấn mạnh Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, chỉ sau Hiến pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) đánh giá 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã có những bước tiến nhất định, góp phần giảm những tranh chấp cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đến nay, vấn đề đất đai vẫn là vấn đề nóng, được rất nhiều đại biểu Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Điều này được minh chứng khi đến nay có trên 12 triệu lượt ý kiến để góp ý cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và ngay thảo luận tại hội trường nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bấm nút để tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, các đại biểu Quốc hội quan tâm dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung trên 3 nội dung lớn, đó là công tác thu hồi, hỗ trợ, tái định cư.
Về công tác thu hồi đất, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay vấn đề bồi thường được đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều. Theo đại biểu, trong lần sửa Luật lần này, Nhà nước cần phải có quy định rất chi tiết trường hợp nào thì thu hồi đất, đồng thời lưu ý: “Cho dù có bồi thường ở mức cao đi nữa thì cũng sẽ không thể thay thế được sự an cư của người dân bởi một khi người dân đã mua đất, chọn chỗ ở tức là đã nghiên cứu về môi trường xung quanh, về sự phù hợp với điều kiện gia đình, truyền thống, quê hương... Cho nên chúng ta phải hạn chế tối đa những trường hợp phải thu hồi đất và khi đã thu hồi đất thì phải có một kế hoạch truyền thông thật tốt, phải có sự tham gia của các tổ chức dân cử để giám sát ngay từ đầu”.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) cho rằng trong dự thảo Luật, quy định tại các điều 78, 79 đã liệt kê tất cả các loại đất, các hình thức thu hồi đất phục vụ cho quốc phòng, an ninh cũng như phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Với hai điều luật quy định như vậy và cách liệt kê như trong quy định, cơ bản dự thảo Luật đã hạn chế được những khiếm khuyết mà Luật hiện hành đang có. Tuy nhiên, hiện nay có những quan điểm tranh luận việc liệt kê như vậy có thể dẫn đến việc thu hồi đất tràn lan, song trong dự thảo Luật có những quy định về nguyên tắc sử dụng đất, thu hồi đất, kế hoạch điều tra sử dụng đất, việc tích lũy các quỹ đất nhằm hạn chế thấp nhất việc thu hồi đất tràn lan.
“Khi đọc quy định trong dự thảo Luật ở điều 78, 79, đặc biệt là điều 79, tôi nhận thấy rằng việc liệt kê như thế là tương đối đầy đủ nhưng trong thực tế còn phát sinh rất nhiều vấn đề các loại đất, loại hình sử dụng đất đối với mục đích công cộng, vì lợi ích quốc gia. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại một lượt nữa, thật kỹ lưỡng tất cả nội dung trong thực tế hiện nay và trong tương lai có thể phát sinh để tránh bỏ sót, đồng thời có một hàng rào kỹ thuật, xác định rõ kế hoạch thu hồi đất để phục vụ cho việc xây dựng công trình, dự án gì”, đại biểu cho hay.
Sử dụng hiệu quả đất công
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề là quản lý, sử dụng đất công hiện nay. Theo đại biểu, vấn đề nhức nhối nhất mà dư luận quan tâm hiện nay là phải làm sao sử dụng một cách hiệu quả đất công.
Theo đại biểu, trong lúc chúng ta cần nguồn lực về tài chính để đầu tư các dự án về hạ tầng kinh tế, xã hội, các dự án giao thông, dự án bệnh viện, trường học chống ngập..., nhưng nhiều dự án đất công lại không được sử dụng một cách hiệu quả, gây bức xúc trong dư luận.
Để giải quyết tình trạng các dự án treo, nhất là các dự án trên đất công, gây lãng phí, Nhà nước cần phải dùng công cụ thuế và có quy định khung thời gian cụ thể cho việc triển khai dự án. “Nếu để quá bao nhiêu năm mà không triển khai thì phải phải thu hồi, đồng thời dùng công cụ thuế đất đối với những đất bị sử dụng lãng phí”, đại biểu đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thiết kế riêng một chương quy định về đất do nhà nước quản lý. Trong đó quy định rõ chế độ quản lý, sử dụng đảm bảo rõ ràng, minh bạch, để người dân dễ theo dõi, giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý đất công, tài sản công.
“Việc quy định thành chương riêng cũng là để pháp điển hóa, tập hợp những quy định riêng lẻ trong những văn bản dưới luật về quản lý, sử dụng đất công từ trước đến nay, góp phần ngăn ngừa vi phạm về đất công, phòng, chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công”, đại biểu nhấn mạnh.