Báo cáo kết quả công tác 2016, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết Ban đã tổ chức, thực hiện tốt việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII và Kỳ họp thứ 1, 2 Quốc hội khóa XIV. Qua tổng hợp cho thấy, số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm so với năm 2015 nhưng tỷ lệ công dân đăng ký đề nghị được các cơ quan của Quốc hội tiếp tăng so với các cơ quan khác. Điều này cho thấy chất lượng tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đồng thời sự tin tưởng cũng như vai trò của Quốc hội ngày càng được người dân đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Từ tháng 7/2016, Nghị quyết số 1156/NQ-UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện có hiệu lực, do vậy số lượng đơn, thư Ban Dân nguyện có trách nhiệm nghiên cứu, xử lý tăng mạnh. Tính từ 1/7- 30/12/2016 là gần 8 nghìn đơn, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2015 chỉ có gần 1.166 đơn.
Ban đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; làm việc với 4 cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết đơn thư của công dân gửi tới Quốc hội do Ban Dân nguyện tiếp nhận, xử lý và nghiên cứu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận phương hướng nhiệm vụ của Ban Dân nguyện trong năm 2017, trong đó tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực công tác, góp phần tăng chất lượng, hiệu quả công việc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cần sớm có phần mềm kết nối tất các cơ quan trong toàn hệ thống, tránh việc mỗi cơ quan có cách giải quyết khác nhau.
Đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương khẳng định đây là công việc quan trọng, giải quyết căn bản sự chồng chéo, trùng lặp trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo.
Ban Dân nguyện tập trung giám sát đối với những vụ việc cụ thể, có tính chất phức tạp, kéo dài... Sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp công dân sẽ được tăng cường trong năm 2017, đồng thời nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp tiếp công dân trong các cơ quan của Quốc hội, kế hoạch tiếp công dân định kỳ hằng tháng của các cơ quan của Quốc hội tại địa điểm tiếp công dân theo quy định.
Ban tiếp nhận, phân loại, xử lý nhanh, kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết 1156; rà soát, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn, thư của công dân mà Ban đã chuyển, xem xét, đánh giá kết quả giải quyết.
Tổng hợp kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban Dân nguyện tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại một số bộ, ngành, cơ quan hữu quan, một số tỉnh, thành phố; giám sát giải quyết một số vụ việc cụ thể trên địa bàn đến làm việc...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ ghi nhận và đánh giá cao các mặt công tác của Ban Dân nguyện đã làm trong năm qua, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 1156 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Trên cơ sở tán thành với phương hướng, nhiệm vụ được Ban Dân nguyện xác định trong năm 2017, Phó Chủ ịch Quốc hội nêu rõ, công tác dân nguyện cần tiếp tục bám sát, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, các đề án, nghị quyết của Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Ban thực hiện các quy định của Luật tiếp công dân, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong việc tiếp công dân; nghiên cứu, đề xuất xây dựng kế hoạch tiếp công dân định kỳ và đột xuất cho các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ban cần tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Qua giám sát, đề xuất những vấn đề cụ thể cần cải tiến trong hoạt động giám sát, trong xây dựng báo cáo giám sát bảo đảm chất lượng, phản ánh thực chất giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri; đánh giá việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp Quốc hội cũng như những vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần, qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chậm triển khai hoặc không thực hiện.
Nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết 1156 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng tới chấm dứt tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội, điều này sẽ khiến cho lượng đơn thư do công dân gửi sẽ tập trung nhiều ở Ban Dân nguyện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban cần quyết liệt, tích cực, chủ động trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xử lý lượng đơn, thư, không để tồn đọng; cải tiến hình thức phân loại đơn thư; gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức...