Nạn tham nhũng vặt - Bài 3: Nguyên nhân và hậu quả

Đề cập nạn tham nhũng vặt tại Tọa đàm "Tham nhũng vặt-Thực trạng và giải pháp phòng chống", một cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang cho rằng, việc cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính, giấy tờ; thanh tra, kiểm tra để “vòi vĩnh” vẫn còn nhiều, gây nhức nhối cho xã hội. Nguyên nhân ở đâu?

Quang cảnh Tọa đàm chuyên đề “tham nhũng vặt” thực trạng và giải pháp phòng, chống, diễn ra ngày 25/5. 

Thiếu minh bạch

Theo ý kiến của một số đại biểu tại  cuộc Tòa đàm nói trên thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng vặt là do cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức còn thiếu minh bạch, còn tình trạng chạy biên chế, chạy chức, chạy quyền, mua quan, bán chức. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế để thu hút nhân tài; những người được tuyển dụng, đề bạt do lo lót thường có tâm lý khi vào được vị trí công tác, phải bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để nhũng nhiễu, vơ vét của Nhà nước và nhân dân để thu hồi “cả vốn lẫn lời”.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa bài bản, còn mang tính hình thức, trọng bằng cấp hơn năng lực; công tác giáo dục chính trị tư tưởng có lúc, có nơi còn bị xem nhẹ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ nên chậm phát hiện, xử lý những cán bộ hách dịch, nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” nhận tiền của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, chế độ tiền lương chưa đảm bảo cho đời sống của cán bộ, công chức; sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự thoái hóa, biến chất, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng và nhân dân của một số cán bộ, công chức, viên chức đã xem nhẹ việc nhận hối lộ và việc đưa hối lộ, quà cáp của người dân, doanh nghiệp, coi đó là việc làm bình thường, đã có lúc phong bì được biểu hiện là một... văn hóa.

Bên cạnh đó, một số nơi chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và người dân trong công tác phòng chống tham nhũng. Một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt chưa được đề cao, bảo vệ; hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nhận tiền, quà cáp của người dân, doanh nghiệp và những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức chưa được phê phán, xử lý nghiêm minh.

 Thực tế cuộc sống cũng cho thấy, hiện tại, cơ chế bảo vệ người dân tố cáo sai phạm, tham nhũng còn nhiều bất cập. Người dân, doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đấu tranh, phê phán biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt mà mình chính là nạn nhân. Cơ chế để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân, doanh nghiệp chưa được cơ quan chức năng quan tâm...

Theo ông Đinh Văn Dũng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Tháp: Những nguyên nhân chính làm phát sinh tình trạng tham nhũng vặt là cải cách hành chính vẫn còn chậm và lúng túng, cơ chế xin - cho trong hoạt động công vụ còn phổ biến; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, bất hợp lý. Nhiều thủ tục, quy định của Nhà nước chưa được công khai, minh bạch đã tạo kẽ hở để cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, nhũng nhiễu...

Ông Đinh Công Út, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ  thì cho rằng, tham nhũng vặt đang diễn ra đối với người chưa có chức vụ nhưng có quyền hạn nhất định như: Chuyên viên về nhà đất ở bộ phận một cửa hoặc người có chức vụ nhỏ như đội trưởng thanh tra giao thông, phó phòng thẩm định dự án khi đã quen nhận hối lộ, biếu xén, quà cáp để giải quyết công việc. Nếu họ không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời, sau này được đề bạt lên các chức vụ cao hơn, có quyền hạn nhiều hơn họ sẽ nhận hối lộ nhiều hơn, số lượng vật chất hối lộ sẽ lớn hơn.

Hậu quả khó lường

Cũng theo ông Đinh Công Út, nạn tham nhũng vặt đang diễn ra khắp nơi mà chúng ta không để ý chuyện đó đến mức đã thấy quen mắt, không còn bức xúc, phẫn nộ nữa. Nếu tái diễn như vậy, dần dần chúng ta chấp nhận tham nhũng vặt và hậu quả là  sau này thế hệ tương lai lớn lên cũng coi nạn tham nhũng vặt, hối lộ vặt là đương nhiên, do đó lại nảy sinh ra những công bộc phục vụ dân hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu rất nguy hiểm.

Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang Lê Minh Phương cho rằng: Ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam, có mức thu nhập trung bình thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ, tổng thu nhập quốc dân còn khiêm tốn, nếu cứ để tham nhũng lớn, tham nhũng vặt tiếp tục song hành sẽ gây thiệt hại ngân sách, tiền bạc của nhân dân, hậu quả của nó rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện.

Dưới góc độ kinh tế, hậu quả của hành vi tham nhũng nói chung không chỉ là tài sản, lợi ích của Nhà nước, của tập thể bị biến thành tài sản riêng của người thực hiện hành vi tham nhũng, nguy hiểm hơn, hành vi tham nhũng còn gây thiệt hại, gây thất thoát, lãng phí lượng lớn tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân.

Việc một số cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, sách nhiễu đối với nhân dân, doanh nghiệp trong khi thực thi công vụ, lạm dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ khiến nhân dân, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để có thể thực hiện được công việc của mình, như xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ khác.

Nếu xét từng trường hợp một thì giá trị vật chất bị lãng phí có thể không quá lớn nhưng nếu tổng hợp những vụ việc diễn ra thường xuyên, liên tục trong cuộc sống hằng ngày, con số bị thất thoát đã ở mức độ nghiêm trọng.

Cũng theo ông Lê Minh Phương, các kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua đều cho thấy, người dân và xã hội đang ngày càng gia tăng sức chịu đựng với tham nhũng, trong đó phần lớn là tham nhũng vặt.

Vấn nạn cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho dân trong các giao dịch công ngày càng trở nên phổ biến; chưa kể đến nạn tham nhũng vặt từ chế độ, quần áo, thực phẩm của Nhà nước, nhà hảo tâm chăm lo, ủng hộ đồng bào dân tộc bị lũ lụt… làm bào mòn niềm tin của người dân và đang tạo ra nhiều bức xúc.

Điều đáng nói là vẫn có người thờ ơ với tình trạng tham nhũng vặt. Vì thoạt nhìn, nó không làm hại ngay, thậm chí còn có lợi cho công việc do tính chất “bôi trơn”. Không ít doanh nghiệp cho biết, họ sẵn sàng “chi trả” cho tham nhũng vặt để được việc hơn là phải nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.


Ông Lê Minh Phương cho biết thêm: Xét về tính phát triển của xã hội, tham nhũng vặt hiện đang cản trở quản trị hành chính công theo hướng hiện đại. Việc không kiểm soát, ngăn chặn được tham nhũng vặt là một trong những nguyên nhân chính khiến nước ta không thể vượt ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.

Tham nhũng vặt nhưng hậu quả rất lớn, thậm chí khó lường. Vì cứ mỗi lần vấp phải sự nhũng nhiễu của cán bộ Nhà nước, người dân lại đưa phong bì ra như một thói quen. Thực tế, doanh nghiệp phản ánh, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến và công việc chỉ đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức. Do buộc phải chấp nhận nên bức xúc sẽ dần tích tụ lại qua nhiều năm tháng.

Còn theo bà Phùng Thị Ngọc Rạng, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kiên Giang, tham nhũng vặt gây hậu quả, tác hại lớn cho xã hội, làm biến dạng các hoạt động đúng đắn của bộ máy Nhà nước, kiềm hãm sự phát triển của đất nước.

Tham nhũng vặt tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, làm cho chi phí của người dân và doanh nghiệp tăng, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; làm gia tăng mâu thuẫn xã hội giữa người dân với bộ máy công quyền; giữa nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và giữa người dân với nhau, tác động tiêu cực đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, tham nhũng vặt len lỏi, xâm nhập làm cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tổ chức cơ sở Đảng giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; làm cho người dân thiếu tôn trọng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ; xói mòn lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước...

Cũng theo bà Phùng Thị Ngọc Rạng, tham nhũng vặt làm thay đổi những chuẩn mức đạo đức, lối sống của người dân, làm băng hoại giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lối sống của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, tạo ra thông lệ, điều kiện buộc người dân phải thực hiện những hành vi trái với đạo đức truyền thống như đút lót, phong bì từ đó dần dần hình thành tâm lý, thói xấu trong xã hội.

Theo bà Phùng Thị Ngọc Rạng: Có thể nói, hậu quả, tác hại của tham nhũng vặt là khôn lường. Nếu ví sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của chúng ta như con thuyền, tham nhũng vặt có thể là nguyên nhân dẫn đến đắm thuyền.

Do vậy, hơn bao giờ hết, phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh chống biểu hiện, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh.

Bài 4: Loại khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng

Bài và ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Nạn tham nhũng vặt -  Bài 2: 1.001 chiêu nhũng nhiễu
Nạn tham nhũng vặt - Bài 2: 1.001 chiêu nhũng nhiễu

Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó cho người dân trong các giao dịch công ngày càng trở nên phổ biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN