Nạn tham nhũng vặt - Bài 2: 1.001 chiêu nhũng nhiễu

Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó cho người dân trong các giao dịch công ngày càng trở nên phổ biến.

Theo một cán bộ Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ, hiện nay nhiều người không còn xa lạ với cái gọi là “văn hóa phong bì” để gọi tên hiện tượng “lót tay” đang diễn ra ở nhiều nơi khi người dân cần thực hiện những thủ tục hành chính hay giao dịch liên quan tới dịch vụ công.

Đủ cách, đủ kiểu tham nhũng vặt

Ông Lâm Thành Lơn, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết cách thức cán bộ thực hiện một số vụ tham nhũng vặt trên địa bàn tỉnh gần đây.

Vụ thứ nhất liên quan đến ông Huỳnh Văn Tỏ, nguyên Chủ tịch  UBND thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ông Huỳnh Văn Tỏ ngoài những sai phạm tài chính hơn 600 triệu đồng tại UBND thị trấn Gành Hòa, còn ăn chặn tiền của người quét rác 700 ngàn đồng/tháng.

Ông Tỏ chỉ đạo thủ quỹ lập chứng từ thanh toán tiền quét rác đêm cho bà Điệp mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ trả có 300 ngàn đồng, số tiền còn lại ông Tỏ bỏ túi riêng và kê khai thanh toán khống tiền xăng, văn phòng phẩm.

Trường hợp này có thể xem là tham nhũng vặt vì số tiền sai phạm không lớn, nhưng xét tính chất mức độ sai phạm, cơ quan điều tra đã vào cuộc và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ thứ hai là thông qua công tác đăng ký và quản lý cư trú, cơ quan Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi phát hiện có dấu hiệu giả mạo trong công tác xảy ra tại Công an xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi.

Qua xác minh Cơ quan điều tra - Công an huyện Vĩnh Lợi xác định Phạm Thị Tú có mối quan hệ quen biết nên bàn bạc, trao đổi với Bùi Văn Nô, trưởng Công an xã Hưng Thành làm giả hồ sơ cho những người có nhu cầu lấy chồng nước ngoài bằng cách nhờ Nô nhập khẩu, người nhập khẩu không có mặt và sinh sống tại địa phương, thay đổi tên họ, viết đơn đề nghị cấp giấy chứng minh nhân dân và được Nô đồng ý giúp.

Từ tháng 9/2014 đến tháng 1/2015, Bùi Văn Nô đã nhiều lần móc nối với Phạm Thị Tú nhập khẩu khống và ký đơn đề nghị cấp giấy chứng minh nhân dân cho 9 trường hợp để hưởng lợi số tiền 22,5 triệu đồng. Mặc dù số tiền Nô hưởng lợi không lớn, nếu chia bình quân cho 9 trường hợp làm trái là không nhiều; nhưng xét tính chất, mức độ, hành vi dấu hiệu tội phạm nên cơ quan tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố, xử phạt Bùi Văn Nô 5 năm tù về tội giả mạo trong công tác và cấm đảm nhiệm công việc có liên quan đến chức vụ quyền hạn trong 4 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Phó Trưởng ban Thường trực  Ban Nội chính Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Minh Phụng, cho biết từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đến nay đã phát hiện 7 vụ việc tham nhũng vặt, tập trung vào một số lĩnh vực như: Chế độ chính sách người có công, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, cán bộ có chức danh tư pháp trong ngành tòa án và giải quyết thủ tục hành chính.

Cụ thể một số vụ như ông Nguyễn Công Luận, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân nhận tổng số tiền 51,7 triệu đồng để chạy làm 17 hồ sơ chính sách; ông Trần Thanh Liêm, Trưởng Công an xã Biển Bạch, huyện Thới Bình xử lý, giải quyết vi phạm trật tự an toàn giao thông không đúng quy định 4 trường hợp, xử phạt 3,8  triệu đồng không ra biên lai mà bỏ túi riêng, sử dụng với mục đích cá nhân.

Hay như ông Hứa Minh Cảnh, thư ký Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nhận 40 triệu đồng của ông Bùi Trọng Sỹ để lo cho ông Sỹ thắng kiện. Ông Nguyễn Chí Văn, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau nhận 40 triệu đồng để lo cho ông Huỳnh Minh Hoàng được hưởng án treo khi xét xử phúc thẩm.

Ông Trần Thanh Toàn, Thẩm phán sơ cấp, công tác tại Tòa án nhân dân huyện Năm Căn, được biệt phái nhận nhiệm vụ xét xử tại tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, làm Chủ tọa phiên tòa giải quyết ly hôn của ông Nguyễn Văn Đức, nhận 1 triệu đồng từ ông Đức và có tin nhắn vòi vĩnh tiền bà Nguyễn Thị Dung, em gái ông Đức.

Theo ông Đinh Công Út, Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ, tại Thành phố Cần Thơ, tham nhũng vặt gần đây nhất là vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ xẩy ra tại Thanh tra giao thông, thuộc Sở Giao thông và Vận tải Cần Thơ.

Một số cán bộ thanh tra giao thông thành phố có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền của cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến vận tải để không kiểm tra, hoặc kiểm tra nhưng không lập biên bản xử lý, lập biên bản xử lý với vi phạm nhẹ hơn thực tế. Hay vụ nhận hối lộ để giải quyết đạt và nhanh chóng các hồ sơ ghi chú và đăng ký kết hôn với người nước ngoài của Phạm Thanh Dũng, nguyên Phó trưởng phòng Hành chính tư pháp, Sở Tư pháp Cần Thơ.

Bên cạnh việc cán bộ công chức thực hiện hành vi tham nhũng qua thực thi công vụ thì còn xảy ra việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô tài sản Nhà nước. Như để phục vụ nhu cầu lợi ích riêng mà Vũ Thị Hồng Yến, nguyên Trưởng phòng Tài vụ kiêm Kế toán trưởng trường Cao đẳng nghề du lịch Cần Thơ lập ủy nhiệm chi khống, nâng khống tiền thu nhập, phụ cấp ưu đãi để chiếm đoạt số tiền hơn 8,3 tỷ đồng. Hay vụ tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ của Châu Tùng Chinh, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Phong Điền với tổng số tiền sai phạm là 1,9 tỷ đồng.

Cái gốc của tham nhũng vặt là người nhận


Theo ông Đinh Công Út, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ, cái gốc của tham nhũng vặt là từ người nhận. Bởi lẽ người nhận hối lộ thường là cán bộ, công chức có thẩm quyền quyết định. Nếu cán bộ không liêm chính trong thực thi công vụ thì có thể "viện" hàng trăm lý do để sách nhiễu, để vòi vĩnh, từ đó xuất hiện biếu xén, quà cáp, cảm ơn.

Trong thực tế, người đưa hối lộ hiếm khi tố cáo việc cán bộ, công chức nhận hối lộ vì người tố cáo có thể sẽ phải đối mặt với tội đưa hối lộ, nên khi tố giác hành vi nhận hối lộ đồng nghĩa người ấy tự tố cáo chính bản thân mình và có nguy cơ phải chịu hình phạt tù.

Ông Lê Minh Phương, Phó trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy An Giang, cho biết người dân phải chi thêm tiền ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hành chính ở các lĩnh vực như đất đai, xây dựng, y tế; phụ huynh phải chi thêm tiền “lót tay” cho con học từ nhà trẻ đến cấp II; người xin việc chi tiền để có việc làm ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Tại An Giang những biểu hiện này, theo đánh giá nội bộ và nhân dân thì chiếm từ 30% đến gần 50% tổng số trường hợp.

Cũng theo ông Lê Minh Phương, tại An Giang, còn nhiều giao dịch thực hiện phải tốn thêm chi phí khác thông qua hành vi “lót tay”, phong bì, quà cáp. Đó là làm thủ tục nhà đất; thủ tục vay vốn ngân hàng; cấp đổi biển số xe cơ giới đường bộ; đăng ký cấp phép kinh doanh; cấp đổi, đăng kiểm phương tiện đường bộ; cấp đổi, đăng kiểm phương tiện đường thủy. Trong các giao dịch này người dân phải tốn thêm các chi phí khác với tỷ lệ từ 24% đến gần 60% tổng số trường hợp.

“Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay, nạn tham nhũng vặt xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị với hình thức đa dạng, nhưng trở thành thường lệ, đương nhiên với sự dung dưỡng của người dân, doanh nghiệp nên các cơ quan chức năng khó phát hiện, xử lý kịp thời” - ông Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết.

Theo ông Trần Quốc Thanh, đó là tại một số cơ quan, lĩnh vực nhạy cảm thường xảy ra tham nhũng vặt như tại bộ phận một cửa khi người dân, doanh nghiệp đến xin giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại đây cán bộ thực hiện làm hồ sơ nhanh hoặc chậm để nhận tiền, quà của người dân, doanh nghiệp.

Hay như cán bộ hướng dẫn không nhiệt tình nhằm gây khó dễ; quản lý thị trường bảo kê, không xử phạt, bỏ lọt những hành vi gian lận thương mại nhằm vụ lợi; ở lĩnh vực tín dụng ngân hàng thì thẩm định nâng giá trị tài sản, làm hồ sơ chậm hơn quy định nhằm có lợi ích, nhận quà cáp; hay mua sắm tài sản, văn phòng phẩm phải có hoa hồng…

Như vậy, cách thức rõ nhất trong tham nhũng vặt là việc lạm dụng chức vụ trong thực thi công vụ; những nhũng nhiễu của một số cán bộ, nhân viên tại cơ quan công quyền; từ đó tạo cho chúng ta thói quen chấp nhận vấn nạn “lót tay”, coi đó là việc cần làm để “trôi việc”. Vậy nguyên nhân do đâu và nếu không kiểm soát, ngăn chặn kịp thời thì nạn tham nhũng vặt đưa đến những hậu quả ra sao?.

Bài 3: Nguyên nhân và hậu quả

Phạm Duy Khương (TTXVN)
Nạn tham nhũng vặt -  Bài 1: Nhận diện
Nạn tham nhũng vặt - Bài 1: Nhận diện

Tham nhũng nói chung trong đó có "tham nhũng vặt" từ lâu đã được xác định là vấn đề mang tính "quốc nạn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN